Đắk Lắk, thiếu cả ngàn giáo viên. Bình Dương: Thiếu đến hơn 3.000. TPHCM, thậm chí đang cần tuyển đến hơn 5.000 cho năm học mới. Nhưng tuyển đâu cho đủ khi đang thật sự xảy ra làn sóng nghỉ việc!
Một lá đơn xin nghỉ việc của giáo viên mầm non. Ảnh: T.T |
Cô Lê Thị Liễu, một giáo viên từng dạy Địa lý tại một THPT ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đi đến quyết định cuối cùng là nghỉ việc sau 20 năm giảng dạy.
Nguyên do là chuyện mà ai cũng biết: Lương quá thấp.
Trên một tạp chí giáo dục, cô Liễu chia sẻ hưởng lương bậc 7, tức là còn chưa nổi 8 triệu đồng/tháng.
8 triệu, thiếu trước hụt sau khi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học.
8 triệu, trong khi mức chi phí sinh hoạt trung bình ở TPHCM, đắt đỏ nhất nước, “phải” bình quân: 10,5 triệu đồng/tháng
8 triệu, và phải làm tay trái bằng việc dạy thêm trường tư.
Theo Sở Nội vụ TPHCM, trong số 5.501 viên chức nghỉ việc trong 2 năm qua thì lĩnh vực giáo dục chiếm tỉ lệ cao nhất với 2.436 người.
Ngay hàng xóm Bình Dương, chính bà Nguyễn Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Từ tháng 1.2021 đến tháng 4.2022, cũng đã có 527 giáo viên nghỉ việc.
Lương ngành giáo dục, đã từ lâu lắm rồi gần như mặc định gắn với sự bèo bọt.
Cô giáo kinh nghiệm 20 năm lương 8 triệu. Giáo viên bậc THPT mới ra trường lương chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Đến một thạc sĩ, mất 4 năm đại học, 2 năm cao học, tốn kém hàng trăm triệu đồng mà khi được tuyển dụng lương tập sự 85% được 3 triệu đồng, sau 2 năm cũng nhận chỉ chưa đầy 4 triệu/tháng.
Còn nhớ, trong phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 9.8 vừa qua, khi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ băn khoăn trước tình trạng gần 10.000 nhân viên y tế chuyển việc, bỏ việc. Theo ông, là vì “nổi lên vấn đề lớn là chế độ lương, phụ cấp thấp, chưa thỏa đáng”. Liền lúc đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng băn khoăn khi mức thu nhập của giáo viên, nhất là giáo viên mầm non cũng rất thấp.
Và ông kiến nghị “tới đây” phải tập trung thực hiện chính sách cải cách tiền lương, đặc biệt đối tượng đang nhận mức lương thấp hiện nay.
Lương nhà giáo bao năm vẫn thấp. Nhưng nếu để ý chúng ta sẽ nhìn thấy vấn đề: 2 năm dịch bệnh, và những cơn "bão giá" liên tục... giống như giọt nước tràn ngưỡng chiếc ly chịu đựng.
Các thầy cô bỏ việc, nghỉ việc còn bởi một lý do thuộc vấn đề sự kiên nhẫn nữa. Rằng họ đã không còn có thể chờ thêm được nữa.
Chờ gì?
Chờ lời hứa: “Năm 2010, các thầy cô sẽ sống được bằng lương” mà một vị bộ trưởng từng hứa sẽ trở thành hiện thực.
Cái năm 2010 ấy sao mà nó xa thế.
Theo Anh Đào (LĐO)