(GLO)- Hợp tác xã (HTX) Nông-Công nghiệp và Dịch vụ Hợp Tiến (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, áp dụng giống mới, hỗ trợ kỹ thuật, phân bón giúp các thành viên và nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất.
Thành viên HTX Hợp Tiến và người dân tham quan mô hình trồng lúa cho năng suất cao. Ảnh: Hồng Thương |
Theo Giám đốc HTX Nhữ Văn Kỳ, từ khi thành lập (năm 2012) đến nay, ngoài liên kết với các doanh nghiệp tại Bình Định và TP. Hồ Chí Minh trong tiêu thụ sản phẩm, HTX cũng quan tâm tìm hiểu các mô hình sản xuất mới để áp dụng vào thực tiễn. Hợp tác xã phát triển 2 loại cây trồng chính là lúa và điều phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Để sản xuất hiệu quả, HTX vận động các thành viên tham gia cánh đồng lúa lớn và gieo trồng giống lúa mới cho năng suất cao, chịu hạn tốt như: Đài Thơm 8, DV108, RVT. Riêng đối với cây điều, HTX vận động người dân bón phân, phun thuốc đúng thời điểm và chuyển sang trồng các giống ghép.
Ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông: “Hợp tác xã Nông-Công nghiệp và Dịch vụ Hợp Tiến đã cung ứng vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng và liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân, góp phần cùng huyện thực hiện tốt Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2018-2020”. |
“Ngoài ra, HTX cũng tranh thủ các nguồn hỗ trợ về phân bón và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn giúp các thành viên chăm sóc cây trồng tốt hơn. Nhờ đó, năng suất cây trồng đạt cao hơn so với trước. Cụ thể, các giống lúa đạt 8-10 tấn/ha vụ Đông Xuân và 6-7 tấn/ha vụ mùa; cây điều hạt đạt 1-1,2 tấn/ha, điều ghép đạt 2-2,4 tấn/ha”-ông Kỳ cho hay.
Trước đây, gia đình ông Hoàng Văn Khánh (thôn Cao Lạng) trồng lúa Mai Lâm trên diện tích 5 ha nhưng năng suất chỉ đạt 6 tấn/ha (vụ Đông Xuân) và 4-4,5 tấn/ha (vụ mùa). Năm 2015, được HTX giới thiệu, ông chuyển hẳn sang trồng giống DV108 và Đài Thơm 8. Ông còn được hỗ trợ mỗi năm hơn 2 tạ phân bón và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Vụ Đông Xuân năm nay, ruộng lúa của ông cho năng suất đạt 8-10 tấn/ha.
“Ngoài gia đình tôi, các thành viên khác cũng được hỗ trợ một phần phân bón, tham gia các lớp tập huấn, tham quan mô hình sản xuất lúa và sử dụng các giống lúa có năng suất cao. Chúng tôi cũng được bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường nên thu nhập được cải thiện đáng kể”-ông Khánh cho biết.
Tương tự, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ một phần phân bón nên vườn điều ghép của các thành viên phát triển tốt, năng suất đạt cao hơn trước (2-2,4 tấn/ha). “Tuy mới tham gia HTX một thời gian ngắn nhưng tôi cũng được hỗ trợ hơn 5 tạ phân bón. Tôi cũng được hỗ trợ giống để chuyển đổi một số diện tích điều hạt sang điều ghép. Đến nay, 5 ha điều của gia đình tôi đều phát triển tốt”-bà Nông Thị Nớp (thôn Cao Lạng) phấn khởi nói.
Trao đổi với P.V, ông Kỳ cho biết: Hiện nay, HTX thu hút 45 hộ tham gia canh tác 45 ha lúa nước 2 vụ và 82 ha điều. Ngoài ra, HTX đang liên kết cung ứng vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho hơn 500 ha lúa và 1.000 ha điều của người dân.
“Chúng tôi phấn đấu nâng tổng số thành viên lên 100 hộ, canh tác 200 ha lúa và 100 ha điều. Đồng thời, mở rộng liên kết cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Tới đây, HTX sẽ tiếp tục làm cầu nối giúp các thành viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; phối hợp tập huấn kỹ thuật, nghiên cứu các giống mới cho năng suất, chất lượng cao. Riêng đoi với cây lúa dự tính sẽ xây dựng các cánh đồng lúa lớn và đầu tư về công nghệ xay xát để xuất bán gạo theo định hướng xây dựng thương hiệu gạo Ia Lâu của địa phương nhằm mang lại lợi nhuận cao hơn cho thành viên và nông dân”-Giám đốc HTX thông tin thêm.
HỒNG THƯƠNG