Kinh tế

Nông nghiệp

Hợp tác xã nông nghiệp: Không thể 'bình mới rượu cũ'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ngày càng đa dạng nhằm đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và của thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn cần đòn bẩy để thúc đẩy mô hình này, từ đó liên kết doanh nghiệp và nông dân tạo thành chuỗi giá trị sản xuất lớn. Nói như Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống thì nhiều HTX vẫn trong tình trạng “bình mới, rượu cũ”; mô hình HTX cũ còn nặng nề trong khi HTX kiểu mới chưa đáp ứng yêu cầu.
 
Mô hình kinh tế tập thể đang tạo ra sự bứt phá cho nông nghiệp.
55% HTX đang hoạt động hiệu quả
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, HTX đã có những sự chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất.
Tính đến hết ngày 30/6/2019, cả nước đã có 14.502 HTX nông nghiệp, 55% trong số này đang hoạt động hiệu quả. Các địa phương cũng đã xử lý dứt điểm những HTX hoạt động yếu kém bằng cách giải thể. Theo đó, đã giải thể được 3.600 đơn vị, chỉ còn khoảng 600 HTX yếu kém đang đợi giải thể hoặc cải tổ trong thời gian tới. Điều đáng ghi nhận là lập mới 200 - 300 HTX thì con số này từ năm 2017 trở lại đây là 2.000 HTX/năm. Nếu như năm 2003, doanh thu bình quân của HTX chỉ đạt 461 triệu đồng/năm thì con số này năm 2018 là 1,61 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, phát triển mô hình kinh tế tập thể đang tạo ra những bước bứt phá cho nền kinh tế nông nghiệp. Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, trong nền kinh tế thị trường, kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn sẽ không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại. HTX nông nghiệp là mô hình tối ưu trong việc hỗ trợ các hộ gia đình phát triển sản xuất hiệu quả.
Có thể kể đến những mô hình HTX đã và đang tạo nên những giá trị kinh tế mới cho các nông hộ tại nhiều địa phương hiện nay. Tại huyện Na Hang, tỉnh tuyên Quang, nhiều hộ nông dân xã Hồng Thái đã biết liên kết lại thành lập hợp tác xã để tập trung sản xuất và kinh doanh sản phẩm chè. Theo chia sẻ của các hộ sản xuất tại đây, trước đây hoạt động sản xuất chè chỉ làm manh mún, nhỏ lẻ theo hình thức nông hộ nên hiệu quả không cao. Từ tháng 6/2018, tại đây thành lập HTX Sơn Trà, cùng tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể, còn thuê cả cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn các nông hộ quy trình sản xuất và thu hoạch chè sạch, tất cả đều được hướng dẫn một cách quy củ. Từ đây chất lượng chè cũng như giá trị được nâng lên. Theo các hộ dân trong HTX Sơn Trà, các thành viên được HTX hướng dẫn chăm sóc chè theo hướng tự nhiên, không sử dụng hóa chất, không sử dụng các loại thuốc kích thích cũng như thuốc bảo vệ thực vật… đến kỳ thu hoạch chè, bà con được HTX thu mua với giá cao.
Mô hình HTX Sơn Trà thuộc huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang chỉ là một trong số hàng trăm mô hình kinh tế tập thể đang hoạt động hiệu quả hiện nay góp phần làm thay đổi diện mạo nền kinh tế nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Nhiều HTX vẫn “bình mới rượu cũ”
Mặc dù vậy, tại Hội nghị “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13, Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong nông nghiệp”, do Bộ NNPTNT tổ chức cuối tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế tập thể trong nông nghiệp, HTX vẫn phát triển chưa tương xứng tiềm năng
 
Hiệu quả từ mô hình HTX kiểu mới ở Cà Mau.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống nhận định: “Phần lớn HTX nông nghiệp quy mô sản xuất nhỏ, chưa tiếp cận thị trường, khó vay vốn trung hạn và dài hạn. Nhiều HTX vẫn trong tình trạng “bình mới, rượu cũ”; mô hình HTX cũ còn nặng nề trong khi HTX kiểu mới chưa đáp ứng yêu cầu”.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nhận định, kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp mặc dù đã có sự cải thiện về lượng và chất nhưng chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, vùng miền, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa lớn và thị trường. “Chính sách hỗ trợ HTX ban hành nhiều nhưng thiếu nguồn lực để thực hiện. Rất ít các HTX tiếp cận được các chính sách như hỗ trợ tín dụng, đất đai, hạ tầng sản xuất. Năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu kém, thiếu nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Để thúc đẩy kinh tế tập thể trong khu vực nông nghiệp thực sự phát huy được sức mạnh, hiệu quả, tại Hội nghị các đại biểu cho rằng, cần tập trung phát triển các HTX nông nghiệp có trình độ quản lý hiện đại để áp dụng tối đa lợi thế của hội nhập quốc tế và ưu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, từng bước thay đổi phương thức hỗ trợ cho khu vực HTX, từ chỗ nặng về “cho không” sang “cho vay”, nặng về hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất sang hỗ trợ về nhận thức, về định hướng, về cách thức làm ăn, tạo sự chủ động, tích cực cho các HTX nông nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Phát triển các HTX sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, phục vụ mục đích xuất khẩu. “Chỉ có phát triển kinh tế tập thể, HTX thì mới thúc đẩy nông dân, HTX liên kết với doanh nghiệp tạo thành chuỗi giá trị sản xuất lớn, hiện đại để nâng cao giá trị nông sản, từ đó thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp bứt phá”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Minh Phương (Đạo Đoàn Kết)

Có thể bạn quan tâm