(GLO)- Cao nguyên Pleiku được hình thành trên cơ sở hàng trăm miệng núi lửa lớn nhỏ dày đặc tạo nên một vùng đất hết sức lý thú với đặc trưng cơ bản là rất nhiều... hoa dã quỳ. Và trong đấy, 2 miệng núi lửa to nhất là Biển Hồ và núi Hàm Rồng, đối xứng với nhau theo trục Bắc-Nam mà có người đã ví nó như Linga và Yoni của... trời. Nhưng gần đây, khi mạng xã hội phát triển, nhờ những bạn trẻ đi phượt, người ta mới phát hiện ra một nơi có hoa dã quỳ đẹp hơn 2 nơi nổi tiếng kia và cũng là một ngọn núi lửa, cũng to chả kém 2 địa danh nổi tiếng kia bao nhiêu: Chư Đăng Ya.
Mỗi mùa hoa dã quỳ, núi lửa Chư Đăng Ya lại thu hút nhiều du khách. (Ảnh: internet) |
Tôi đã đi hết các tỉnh Tây Nguyên, vào mùa dã quỳ, cứ dằng dặc miên man thế, từ hồi dã quỳ là loại cây đáng ghét, chiếm đất, chả có tác dụng gì, cho đến khi phát hiện ra vẻ đẹp của nó. Và phát hiện hoa dã quỳ ở 2 miệng núi lửa của Gia Lai (hồi ấy chưa biết Chư Đăng Ya) là đẹp nhất. Nó vàng hơn cả vàng, vàng thánh thiện và tinh khiết. Nó mỡ màu mượt mịn chứ không xơ xác, dù ở Hàm Rồng thường xuyên phải chống chọi với mùa gió cao nguyên kinh người. Nhưng càng gió càng nắng, hoa càng đẹp mê hồn, càng vẹn nguyên chứ không bị xơ xác. Nó mơn mởn và đầy hứng khởi, rạo rực và miên man. Tôi từng tếu táo giải thích với bạn bè rằng, sở dĩ dã quỳ được thế là nhờ sinh sôi trên nham thạch núi lửa từ hàng triệu năm trước kết tụ lại? Sau này, ông bạn làm địa chất cười bảo: Ông nói cũng có lý chứ không phải không. Và cái sự dã quỳ Pleiku đẹp hơn nơi khác thì đã được nhiều người xác nhận. Tôi cũng từng là người bị... ghét vì cái thời khó khăn ấy chả làm gì nên cơm cháo mà cứ đi ca ngợi dã quỳ, cho đến khi người ta công nhận ông này viết nhiều về dã quỳ là có lý...
Và, nói thêm điều này, chả cứ Tây Nguyên có dã quỳ. Nhiều nơi trên đất nước Việt Nam ta cũng có dã quỳ, kể cả... Hà Nội.
Giờ thì phát hiện ra Chư Đăng Ya.
Và, gần như không cần bàn cãi, người ta công nhận, dã quỳ nơi đây đẹp hơn cả Biển Hồ và Hàm Rồng.
Chư Đăng Ya, nó khác Biển Hồ là bởi có... núi. Và khác Hàm Rồng là trên đỉnh núi ấy, có phần lõm xuống như hồ.
Thì bỏ hoang thế, người dân trồng gừng và dong riềng. Nghe nói Chư Đăng Ya nghĩa là củ gừng, còn dong riềng ở đây thì ngon nổi tiếng. Và người dân từng khốn khổ vì bị dã quỳ tranh đất, năm nào cũng thế, công việc đầu tiên của mùa mới là chặt phát dã quỳ để lấy đất trồng hoa màu.
Giờ dã quỳ thành đặc sản.
Năm ngoái dù cập rập nhưng huyện Chư Pah đã tổ chức một lễ hội dã quỳ tạm coi là thành công, làm tiền đề cho năm nay.
Như một nhát trống báo hiệu, sau lễ hội năm ngoái, nhiều người biết đến nơi này, biết rằng ở đây hàng năm sẽ tổ chức lễ hội nên họ háo hức chờ.
Mới nhất, một đám bạn tôi từ Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng... cập Pleiku. Dù mưa, dù không phải mùa, dù đường rất xấu, họ vẫn nói tôi đưa đến Chư Đăng Ya. Bạn Huỳnh Quang Vũ-người Sài Gòn nhưng đang làm quản lý tại một quán cà phê ở Pleiku, người đọc sách nhiều, quan hệ rộng, từng bắc cầu đưa các nhà thơ Phạm Thiên Thư, Du Tử Lê tới Pleiku giao lưu với bạn đọc, hôm ấy mang hẳn bộ đồ nghề pha trà với một bông sen đang ngậm trà được gửi từ Hà Nội vào, ý định là leo lên đỉnh núi thì ngồi... pha trà uống. Thú thật, mới nghe dự định thế tôi đã run lên vì sướng và băm bổ lái xe đi, dù trên đường vào, lúc bị lầy, lúc thì một cái lốp xe bị chém ngọt đi bay triệu bạc để thay. Hãy hình dung đi, trời sầm sì, mây cuồn cuộn thế, gió hun hút thế, một đám leo lên núi, kiếm một chỗ có thể... chạm tay vào mây, dựa lưng vào gió và duỗi chân vào... củ gừng, khà ly trà với bộ trà rất cổ, mỗi ly một kiểu với hương sen dìu dịu hồ Tây quyện vào vị trà Thái. Mới nghĩ thôi đã ngất ngây. Nhưng rồi sự ngất ngây của chúng tôi chỉ tới được... chân núi vì mưa to quá. Thế là chui vào cái nhà rông chân núi, vẫn bày trà ra đấy. Và lại có một kiểu khoái khác, một kiểu “tân cổ giao duyên”. Cái thú trà này là của đồng bằng Bắc bộ, giờ đang được thi triển trên một nhà rông Tây Nguyên, giữa mùa mưa Tây Nguyên đặc trưng, mù mịt, miên man và đậm đặc.
Thực ra thì dã quỳ nhiều khi chỉ là cái cớ. Năm ngoái, lễ hội tổ chức khi mùa đã tàn mà cũng nườm nượp người đổ xô tới. Năm nay, được biết lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya sẽ được tổ chức sớm hơn, kỹ lưỡng hơn, bắt đầu từ ngày 10-11. Và cũng như thế, dã quỳ chỉ là cái cớ, bởi tới đây, du khách sẽ được thưởng thức không chỉ dã quỳ, mà còn là toàn bộ những tinh túy của văn hóa Jrai, và không chỉ Jrai, được biết sẽ còn nhiều vùng văn hóa xuất hiện ở những ngày này, tạo nên một sinh hoạt văn hóa phong phú và thân thiện.
Cũng như rừng, từng là một phần của đời sống Tây Nguyên, bảo bọc hòa quyện Tây Nguyên, làm nên một Tây Nguyên đúng nghĩa, giờ dã quỳ cũng đang cùng với Tây Nguyên kết tủa một mùa du lịch thú vị.
Và những người thực hiện, được biết, từ bây giờ họ đang hào hứng bắt tay vào chuẩn bị một cách chu đáo nhất, để lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm nay tràn ngập... dã quỳ. Và không chỉ dã quỳ, mà còn là những con người yêu Tây Nguyên, yêu dã quỳ, bị dã quỳ và không khí dã quỳ hớp hồn...
Văn Công Hùng