Khoa học - Công nghệ

Huawei tìm cách giảm ảnh hưởng lệnh trừng phạt của Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để giảm ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của Mỹ, Huawei đã ký một “thỏa thuận cấp phép chéo bằng sáng chế toàn cầu, bao gồm các bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn di động, có luôn cả 5G” với Oppo.
 


Huawei-“gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc cho biết, sẽ cấp phép công nghệ 5G cho đối thủ là nhà sản xuất thiết bị di động Oppo. Đây là động thái mở ra một nguồn doanh thu mới cho Huawei sau khi mảng kinh doanh điện thoại thông minh của hãng chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo đó, Huawei và Oppo đã ký một “thỏa thuận cấp phép chéo bằng sáng chế toàn cầu, bao gồm các bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn di động, có luôn cả 5G”.

5G đã trở thành một phần gây tranh cãi trong cuộc chiến công nghệ rộng lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc. Cả hai quốc gia đều xem nó như một công nghệ quan trọng. Ảnh: AFP.
5G đã trở thành một phần gây tranh cãi trong cuộc chiến công nghệ rộng lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc. Cả hai quốc gia đều xem nó như một công nghệ quan trọng. Ảnh: AFP.


Khi một thế hệ công nghệ di động mới đang được phát triển, cái gọi là tiêu chuẩn toàn cầu cần phải được tạo ra. Đây là các giao thức, thông số kỹ thuật và thiết kế cho phép khả năng tương tác giữa các mạng 5G trên toàn cầu và cho phép điện thoại thông minh giao tiếp với các mạng đó.

Các đối tác trong ngành được giao nhiệm vụ tạo ra những thứ này và các công ty như Huawei sẽ đóng góp vào việc tạo ra chúng. Các công ty này nghĩ ra các công nghệ mà sau đó họ được cấp bằng sáng chế. Các bằng sáng chế rất quan trọng đối với các tiêu chuẩn của 4G hoặc 5G, và nó sẽ được coi là “bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn”(SEP).

Hiện Huawei có một danh mục đầu tư đồ sộ với hơn 100.000 bằng sáng chế trên toàn cầu (nghiên cứu của hãng Patent Result cho thấy, chỉ có khoảng 21% bằng sáng chế của Huawei được xem có chất lượng cao-nguồn:genk.vn). Đây là một trong những chủ sở hữu bằng sáng chế hàng đầu về công nghệ 5G, internet di động cực nhanh thế hệ tiếp theo được coi là chìa khóa để củng cố các ngành công nghiệp trong tương lai như trí tuệ nhân tạo và ô tô tự lái.

Vào năm 2019, Mỹ đã sử dụng một số biện pháp bao gồm danh sách đen xuất khẩu để loại Huawei khỏi danh mục các nhà bán dẫn quan trọng cần thiết cho điện thoại thông minh và một số sản phẩm khác. Điều này đã tác động mạnh đến mảng kinh doanh điện thoại thông minh của hãng Huawei từng là số một thế giới vào thời điểm đó.

Trước áp lực bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, năm 2021, “gã khổng lồ” công nghệ Huawei của Trung Quốc bắt đầu hướng đến bán bằng sáng chế công nghệ của mình cho các công ty khác.
 
Với động thái này, Huawei tuyên bố sẽ thu về 1,2 tỷ USD đến 1,3 tỷ USD doanh thu từ việc cấp phép tài sản trí tuệ của mình từ năm 2019 đến năm 2021. Tuy nhiên, năm 2021 Huawei không cung cấp con số cụ thể doanh thu từ tài sản trí tuệ.

5G đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi trong cuộc chiến công nghệ rộng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc. 5G có thể là chìa khóa cho cam kết "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" và cũng là tham vọng trở thành nước dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc vào năm 2030. Internet di động yêu cầu “các tiêu chuẩn” có thể được thống nhất trên toàn cầu để các công ty sản xuất thiết bị viễn thông, cũng như các nhà cung cấp dịch vụ di động, có thể triển khai công nghệ trên toàn thế giới.

 


HUỲNH LÊ (TTXVN; danviet.vn; genk.vn)

Có thể bạn quan tâm