Xã hội

Gia đình

Hương ước làm thay đổi cuộc sống dân làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia súc của nhà nào chạy ra đường, ăn rau màu, ủi đất vườn của người khác thì người nuôi bị phạt; tiết kiệm, thay đổi nếp nghĩ trong việc tổ chức tang ma, cưới hỏi... Đó là những quy định được các làng ở xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah, Gia Lai) đưa vào hương ước, cam kết thực hiện nghiêm túc.

Người dân cam kết không chăn nuôi gia súc gia cầm thả rông như trước. Ảnh: P.V
Người dân cam kết không chăn nuôi gia súc gia cầm thả rông như trước. Ảnh: P.V



Trong các ngôi làng ở Ia Mơ Nông, bà con vẫn còn thói quen chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông, gây ra rất nhiều bất tiện trong cuộc sống. Chị Rơ Châm Blúi (làng Amơng, xã Ia Mơ Nông) cho hay: “Nuôi gia súc, gia cầm thả rông rất mất vệ sinh vì phân của chúng ở khắp nơi từ ngoài đường cho tới trong sân, dưới gầm nhà sàn. Không chỉ vậy, heo, bò sang vườn nhà người khác ăn rau, ủi phá vườn nên thường bị đánh đuổi. Hàng xóm có khi mất đoàn kết chỉ vì mấy con heo, con bò”. Nhận thấy không thể để tình trạng này kéo dài, chính quyền xã Ia Mơ Nông cùng ban lãnh đạo thôn làng đã tổ chức các cuộc họp, quyết định đưa việc chăn thả gia súc vào hương ước để dân làng cùng thực hiện. Theo đó, hương ước quy định nếu gia súc của nhà nào chạy rông ra đường, phóng uế, phá hoại nếu bị bắt được sẽ làm thịt cho cả làng cùng ăn. Quy định này được đông đảo bà con đồng tình hưởng ứng. 
 


Ông Phạm Minh Châu-Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông: “Việc đưa các quy định vào hương ước để bà con các làng dân tộc thiểu số cùng cam kết thực hiện bước đầu đã đem đến những hiệu quả tích cực. Tiết kiệm trong tổ chức tang ma, không thả rông gia súc, gia cầm cũng là cách làm giúp bà con xóa đói giảm nghèo, chung tay góp sức thay đổi bộ mặt thôn làng, xây dựng nông thôn mới”.
 

Từ khi hương ước được xây dựng và áp dụng, nhiều gia đình trong làng Amơng đã chủ động xây dựng chuồng trại, đào hố để lấy phân chuồng. Cách đây khoảng 3 tháng, gia đình chị Blúi cũng bỏ ra khoảng 1 triệu đồng để mua vật liệu về xây chuồng cho bầy heo. Chị Blúi chia sẻ: “Xây chuồng không tốn nhiều tiền lắm đâu. Mình thấy nuôi heo trong chuồng vừa sạch sẽ, vừa dễ dàng, lại thuận tiện hơn trong chăm sóc. Hương ước làng đã quy định nên không ai dám để heo đi rông nữa”. Hiện tại, làng Amơng đã có khoảng 60% gia đình xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, nghiêm túc thực hiện quy định của làng.

Ông Phạm Minh Châu-Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông-cho hay: “Cùng với việc tuyên truyền, khuyến khích bà con thay đổi tập quán chăn nuôi, chúng tôi cũng đề nghị các làng đưa việc tiết kiệm trong tang ma, cưới hỏi vào hương ước. Trong các buổi họp làng vào ngày 20 hàng tháng, đại diện Đảng ủy, UBND xã đến tuyên truyền cho bà con thấy sự lãng phí trong tổ chức tang ma, cưới hỏi, giúp bà con biết đó là nguyên nhân dẫn đến nợ nần, đói nghèo. “Mưa dầm thấm lâu”, đến nay, tư tưởng của bà con đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tiến bộ”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Rơ Châm Ueng-Trưởng thôn Kép 1 khẽ lắc đầu khi nhắc đến những đám ma trong làng trước đây. “Khi ấy, cứ nhà ai có đám tang là mổ mấy con heo, mấy con bò để đãi anh em họ hàng gần xa, bà con làng xóm đến chia buồn. Việc ăn uống có khi kéo dài cả tuần, không ai chịu làm việc, lúc nào cũng say xỉn. Thịt heo, thịt bò mổ quá nhiều ăn không hết để thối, rất mất vệ sinh”-ông Ueng kể. Giờ thì việc tổ chức tang ma không còn lãng phí nữa vì đã được quy định trong hương ước. Dân làng đến chia buồn với gia đình có người mất thì bằng tấm lòng của mình, bỏ phong bì 5.000 đồng, 10.000 đồng hay một chai rượu nhỏ thay vì đem gà, đem heo, ghè rượu đến như trước. Gia đình có đám tang cũng tùy điều kiện mà tổ chức hợp lý. Hơn nữa, số ngày tổ chức cũng không kéo dài như trước. “Khi đưa vào hương ước, bà con dân làng đều ký cam kết thực hiện. Vì thế đến nay những hủ tục trong cưới hỏi, tang ma đã dần được loại bỏ bớt”-ông Ueng cho hay.

Phương Vi

Có thể bạn quan tâm