Kinh tế

Tài chính

Huy động tiền trong dân: Phải lợi cả đôi đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, số tiền còn nằm trong dân khoảng 60 tỷ USD.  Con số này không phải không có căn cứ bởi người Việt Nam vốn có thói quen “tích cốc phòng cơ” và rất thận trọng khi “đầu tư mạo hiểm” hay gửi tiền lấy lãi. Người dân thường đem tiền tiết kiệm để mua vàng. Giữ vàng thì chẳng thể sinh lợi như gửi tiền tiết kiệm cho ngân hàng, nhưng nó lại tạo sự yên tâm cho người giữ.
 

Ảnh nguồn internet
Ảnh nguồn internet

Số tiền nằm trong dân nếu được huy động đưa vào lưu thông, phát triển kinh tế đất nước thì sẽ rất tốt. Nhưng nếu muốn người dân dùng số vàng tiết kiệm đưa vào hoạt động kinh tế thì phải có những cơ chế và chính sách bảo đảm để họ không bị mất vốn. Đó là điều rất khó vì thị trường thì luôn biến động, người chủ nguồn vốn lại rất khác nhau, còn lãi suất ngân hàng sau khi trừ lạm phát không còn đủ hấp dẫn người gửi, trừ những người không có khả năng kinh doanh, không biết làm sao cho “tiền đẻ ra tiền”.

Người dân có thể đầu tư vào địa ốc vì thực ra, mua đất hay mua nhà vẫn có thể bảo đảm không mất vốn, ngược lại còn có lời. Đất đai cũng là một thứ tài sản. Đất không sinh đẻ được nên giá đất ngày một tăng là chuyện dễ hiểu. Địa ốc cũng là một thị trường, chỉ khi nào nhà nước trực tiếp bỏ vốn kinh doanh địa ốc thì nhà nước mới có lãi, còn như bây giờ, bao nhiêu lời lãi đều chảy vào những nhà đầu tư. Dĩ nhiên, người dân mua địa ốc theo kiểu nhỏ lẻ vẫn có thể được hưởng lợi nếu giá nhà giá đất tăng. Nhưng những điều ấy có tác động tích cực đến nền kinh tế hay không thì phải còn suy nghĩ.

Vấn đề ở đây là làm thế nào để người giữ tiền (hay vàng) nhận thấy lợi ích khi họ bỏ tiền ra kinh doanh. Đã có những người làm như vậy vì họ có khả năng kinh doanh trong điều kiện kinh doanh rất khó khăn và chịu nhiều rủi ro như hiện nay. Còn hầu hết những người kinh doanh hiện nay đều vay vốn từ các ngân hàng và quỹ tín dụng, kể cả “tín dụng đen”. Vì sao như vậy? Vì họ hầu hết đều không có vốn. Họ phải vay để làm ăn. Và thứ nữa, người ta vẫn mang tâm lý sợ những rủi ro nếu bỏ tiền (hay vàng) của mình ra để kinh doanh.

Cần mở ra được những hướng đầu tư chắc chắn có lợi, dù lợi không lớn nhưng bảo đảm không mất vốn và lời lãi phải cao hơn lãi từ gửi tiền ngân hàng. Khi đó, chắc chắn nhiều người có tiền sẽ vui lòng “mở hầu bao”. Người có tiền, dù chưa biết kinh doanh, nhưng hầu hết đều biết cách giữ tiền của mình cho khỏi mất. Một khi nhà nước mở được những kênh đầu tư bảo đảm thì dòng tiền trong dân sẽ tự lưu chuyển.

Có một nhà bình luận kinh tế nói rằng: “Muốn huy động được nguồn lực này (tiền trong dân) cần có một chính sách, một cơ chế hợp lý, tạo được niềm tin và sự hấp dẫn đối với người dân. Chỉ có vậy mới kích thích được người dân có tiền nhàn rỗi đưa lượng tiền đó vào vòng lưu thông của nhà nước. Và chỉ khi làm được điều đó thì cả người dân có tiền lẫn nhà nước đều được lợi”.

Trong kinh tế, mọi tính toán đều phải đảm bảo sao cho “lợi cả đôi đường” hay nhiều đường, chứ không thể chỉ một bên hưởng lợi, còn một bên chịu thiệt. Bây giờ là kinh tế thị trường, mọi tính toán đều phải dựa trên quy luật vận động của thị trường chứ không thể theo kiểu nền kinh tế chỉ huy như trước kia.

Một khi nền kinh tế của đất nước tăng trưởng bền vững, nợ xấu giảm, nợ công giảm thì tự nhiên sẽ có nhiều người dân “bung” tiền của mình ra để kinh doanh.

Thanh Thảo
 

Có thể bạn quan tâm