(GLO)- Nhằm góp phần nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản và đặc sản của địa phương, năm 2021, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phấn đấu có thêm 5-7 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Giai đoạn 2019-2020, huyện Ia Grai có 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của 3 chủ thể, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao gồm mật ong hoa cà phê và mật ong đa hoa của Hợp tác xã Mật ong Phương Di; 3 sản phẩm đạt 3 sao là mật ong hoa cà phê của Công ty TNHH Nuôi và Xuất nhập khẩu Ong mật Gia Lai, cà phê Mộc đặc biệt Thảo Hiên của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thảo, hạt điều A Sanh của Hợp tác xã Mật ong Phương Di.
Sản phẩm cà phê Mộc đặc biệt Thảo Hiên đã được chứng nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2020. Ảnh: Vũ Thảo |
Bà Nguyễn Thị Thảo-chủ cơ sở rang xay cà phê Thảo Hiên-chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 3 ha cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ. Nhận thấy việc sản xuất và bán thô sản phẩm có hiệu quả kinh tế không cao. Do đó, năm 2016, gia đình tôi quyết định đầu tư máy móc, nhà xưởng với mong muốn đưa các sản phẩm cà phê với hương vị nguyên bản đến với người tiêu dùng. Với quy trình chế biến cà phê mật ong được lựa chọn hái chín với tỷ lệ đạt trên 95% và phơi trên giàn nên chất lượng khác hoàn toàn so với cà phê thông thường. Năm 2020, cơ sở có sản phẩm cà phê Mộc đặc biệt đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Đây là cơ hội để cơ sở phát triển quy mô, mở rộng thị trường”. Cũng theo bà Thảo, khi tham gia OCOP cơ sở được hỗ trợ hướng dẫn về làm hồ sơ và thiết kế bao bì, nhãn mác cũng như truyền thông, xúc tiến thương mại. Khi sản phẩm đã được gắn sao thì khách hàng rất tin tưởng và sản lượng bán ra thị trường tăng khoảng 20% so với lúc chưa tham gia OCOP.
Theo ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai: Qua triển khai Chương trình OCOP, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình rất phấn khởi khi được huyện, tỉnh quan tâm tạo điều kiện. Thực tế triển khai cho thấy, các sản phẩm đưa ra thị trường đã được sự đón nhận của người tiêu dùng. Để phát triển sản phẩm của địa phương ngày càng tốt hơn, huyện tiến hành rà soát, xác định các sản phẩm có nguồn gốc tại địa phương, đảm bảo tiêu chuẩn sạch, an toàn để hỗ trợ phát triển thành sản phẩm OCOP. Trong năm nay, huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP với kinh phí 1,1 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, huyện sẽ tập huấn, tư vấn phát triển, nâng cấp sản phẩm cho các chủ thể tham gia về bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…
Huyện Ia Grai đang phấn đấu xây dựng thương hiệu gạo A Sanh thành sản phẩm OCOP. Ảnh: Vũ Thảo |
Theo kế hoạch, năm nay, huyện Ia Grai phấn đấu có thêm 5-7 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Ông Ksor Tư-Chủ nhiệm Tổ hợp tác Nông nghiệp và Dịch vụ xã Ia Dêr-cho hay: “Sau khi huyện đưa giống lúa JO2 vào gieo trồng thí điểm trên diện tích 50 ha tại một số xã thì hiệu quả sản xuất đạt cao hơn hẳn. Trên cùng một chân ruộng, nếu sử dụng giống lúa địa phương thì năng suất chỉ đạt 4,5 tấn/ha, còn sử dụng giống JO2 năng suất đạt đến 6 tấn/ha. Sau khi đã xây dựng được thương hiệu gạo A Sanh, các thành viên Tổ hợp tác tiếp tục phấn đấu xây dựng để gạo A Sanh trở thành sản phẩm OCOP. Hiện tại, Tổ hợp tác được hỗ trợ để làm hồ sơ, hoàn tất các thủ tục liên quan”.
Trao đổi thêm với P.V, ông Phan Đình Thắm cho biết, huyện đang tiếp tục tuyên truyền để người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tích cực lựa chọn các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để mạnh dạn tham gia Chương trình OCOP trong năm nay. Việc tham gia Chương trình OCOP sẽ đóng vai trò tích cực, giúp quảng bá cũng như nâng cao chất lượng, giá trị cho các sản phẩm, thúc đẩy kinh tế vùng nông thôn phát triển, góp phần vào tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
VŨ THẢO