Kinh tế

Nông nghiệp

Ia Grai không đạt kế hoạch trồng rừng vì kinh phí hỗ trợ thấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ năm 2017 đến nay, huyện Ia Grai chỉ mới trồng được 1.550 ha rừng tập trung, đạt khoảng 50% kế hoạch. Nguyên nhân là do kinh phí hỗ trợ trồng rừng thấp khiến người dân không mặn mà.

Huyện Ia Grai có diện tích tự nhiên 111.959,8 ha, trong đó, 35.277,6 ha là đất quy hoạch lâm nghiệp phân bố trên địa bàn 6 xã: Ia O, Ia Chía, Ia Khai, Ia Bă, Ia Grăng, Ia Pếch. Diện tích rừng chủ yếu tập trung trên lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai và Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai. Trong số này, 20.666,5 ha là đất có rừng (16.002,1 ha rừng tự nhiên, 4.664,4 ha rừng trồng), 14.611,1 ha đất chưa có rừng.

Đoàn công tác HĐND tỉnh kiểm tra trồng rừng trên địa bàn huyện Ia Grai. Ảnh: Lê Nam

Đoàn công tác HĐND tỉnh kiểm tra trồng rừng trên địa bàn huyện Ia Grai. Ảnh: Lê Nam

Thực hiện Kế hoạch số 1123/KH-UBND của UBND tỉnh, ngày 26-4-2017, UBND huyện Ia Grai đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND về tổ chức thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Từ năm 2017 đến nay, các đơn vị chủ rừng, địa phương trên địa bàn huyện đã trồng rừng tập trung được 1.550 ha, trong đó có 518,1 ha rừng phòng hộ, sản xuất từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn hỗ trợ người dân trồng rừng.

Xã Ia Pếch có hơn 1.337,7 ha đất lâm nghiệp, trong đó, 582,6 ha đất có rừng và 755,1 ha đất chưa có rừng. Triển khai kế hoạch thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng, đến nay, xã đã vận động người dân trồng được hơn 113,7 ha rừng.

Ông Rơ Mah Ít (làng O Rang) cho hay: “Năm 2018, khi được UBND xã tuyên truyền kê khai diện tích sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp và được sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, tôi đăng ký trồng 2,1 ha keo lai. Những năm đầu, cây keo lai thường bị côn trùng cắn và bị bệnh khô ngọn nên phải trồng dặm lại nhiều lần. Đến nay, vườn cây phát triển tốt và dự kiến sang năm sẽ khai thác”.

Còn ông Rơ Mah Beng (làng De Chí) thì chia sẻ: Năm 2018, gia đình được hỗ trợ cây bạch đàn để chuyển đổi hơn 1 ha điều, mì trên diện tích đất lâm nghiệp sang trồng rừng. Đến nay, cây bạch đàn phát triển tốt, năm sau sẽ được khai thác.

Theo bà Phạm Thị Kim Tuyến-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pếch: “Tuy phong trào trồng rừng đã có nhiều chuyển biến nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Nguyên nhân là từ năm 2021, kinh phí hỗ trợ trồng rừng giảm xuống khiến công tác vận động người dân đăng ký tham gia gặp khó khăn”.

Trao đổi với P.V, ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho biết: Hàng năm, UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, đơn vị chủ rừng, UBND các xã trong công tác thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Đồng thời, chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng, UBND các xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Từ đó, nhận thức của người dân về trồng rừng sản xuất có sự hỗ trợ của Nhà nước dần được nâng lên.

Rừng keo lai của người dân xã Ia Pếch đang phát triển tốt. Ảnh: L.N

Rừng keo lai của người dân xã Ia Pếch đang phát triển tốt. Ảnh: L.N

Tuy nhiên, theo ông Hưng, hiện nay, mức hỗ trợ còn thấp, trong khi người dân tham gia trồng rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Chu kỳ trồng rừng kinh doanh kéo dài 7-10 năm nên người dân không có vốn để đầu tư. Họ cũng chưa mạnh dạn vay vốn trồng rừng. Giai đoạn 2017-2020, kinh phí hỗ trợ trồng rừng cho người dân theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 7 triệu đồng/ha trong 1 chu kỳ.

Còn từ năm 2021 trở lại đây, thực hiện theo Quyết định số 496/QĐ-UBND ngày 29-5-2021 của UBND tỉnh và Quyết định số 529/QĐ-UBND ngày 23-8-2021 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Quyết định số 496/QĐ-UBND thì mức hỗ trợ chỉ còn 2,5 triệu đồng/ha trong 1 chu kỳ. Kinh phí hỗ trợ thấp gây khó khăn cho các lực lượng trong công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng.

“Để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng trong các năm tiếp theo, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh xem xét nâng mức hỗ trợ đối với diện tích người dân đăng ký trồng rừng thuộc dự án hỗ trợ đầu tư vì mức hỗ trợ 2,5 triệu đồng/ha/chu kỳ là quá thấp. Mức hỗ trợ này chỉ đủ để mua cây giống trồng rừng năm đầu và không có chi phí để chăm sóc, phòng cháy chữa cháy rừng cho các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí đối với diện tích người dân đăng ký trồng rừng năm 2022 vượt so với chỉ tiêu trong Thông báo số 18/TB-SNNPTNT ngày 9-2-2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT”-Phó Chủ tịch UBND huyện đề xuất.

Có thể bạn quan tâm