Kinh tế

Trồng mới 40.000 ha rừng trong giai đoạn 2021-2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 30-3, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và thảo luận một số nội dung liên quan công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
Quang cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh. Ảnh: Lê Nam

Quang cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh. Ảnh: Lê Nam

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Hoan cho biết: Năm 2022, công tác triển khai phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) được các đơn vị chủ rừng đã thực hiện đốt trước có điều khiển 933 ha, xây dựng 106,5 km đường ranh cản lửa, nhờ đó trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng; giao rừng 5.259 ha/6.851,4 ha (đạt 76,76%), giao cho 9 cộng đồng (với 1.393 hộ tham gia) và 211 hộ gia đình; trồng rừng được 8.252,7 ha (đạt 103,2% kế hoạch), chăm sóc rừng trồng 26.560 ha (đạt 100% kế hoạch), khai thác rừng trồng tập trung 1.432,5 ha; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 98,8 ha. Tổng vốn được huy động, phân bổ thực hiện chương trình là hơn 346,2 tỷ đồng (vốn ngân sách Nhà nước hơn 174 tỷ đồng; vốn khác gần 172,2 tỷ đồng). Thu tiền dịch vụ môi trường rừng hơn 180,3 tỷ đồng (đạt 163,98% kế hoạch), giải ngân tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2021 là 55,873 tỷ đồng và giải ngân tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2022 là là 94,07 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, từ ngày 11-12-2021 đến 10-12-2022, các ngành chức năng đã kiểm tra phát hiện, bắt giữ 329 vụ vi phạm, giảm 108 vụ, tương đương 24,71 % so với năm 2021. Tang vật, phương tiện vi phạm gồm: 449,4 m3 gỗ tròn, xẻ các loại (giảm 324 m3 tương ứng 41,89%), 277,7 ster củi, 11,9 kg động vật rừng và một số lâm sản khác; 54 xe ô tô, 57 xe công nông, xe độ chế, máy xúc, 129 xe máy và 29 máy cưa. Diện tích rừng bị phá là 44,2 ha. Đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý 213 vụ/329 vụ; xử lý vi phạm hành chính 177 vụ; xử lý hình sự 37 vụ.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh đã đề ra kế hoạch trong năm 2023, như: bảo vệ và phát triển diện tích rừng hiện có; nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,33%; tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng, đặc biệt là dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác; huy động các nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án, hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng; trồng rừng 8.000 ha, chăm sóc rừng hơn 26.290 ha; khoán bảo vệ rừng 145.000 ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hơn 510 ha; 100% chủ rừng là tổ chức xây dựng và được phê duyệt phương án Quản lý rừng bền vững; tiếp tục nâng cao nhận thức về PCCCR cho các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư…

Đồng chí Dương Mah Tiệp-Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Lê Nam

Đồng chí Dương Mah Tiệp-Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Lê Nam

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp-Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh đánh giá: Năm 2022, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng và sự ủng hộ nhân dân trên địa bàn tỉnh, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, số vụ vi phạm lâm luật năm 2022 giảm 108 vụ, tương đương 24,71% so với năm 2021; trồng rừng được 8.252,7 ha, đạt 103,2% so với kế hoạch được giao; hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, góp phần tích cực vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế đó là tình hình vi phạm lâm luật vẫn còn xảy ra, công tác giao rừng cho hộ gia đình, cộng đồng để vừa tham gia bảo vệ phát triển rừng vừa cải thiện sinh kế chưa được các địa phương quan tâm đúng mức; diện tích rừng trồng mới tuy đạt kế hoạch về khối lượng nhưng chưa đảm bảo về chất lượng và chưa tạo ra được phong trào toàn dân tham gia trồng rừng để góp phần nâng cao đời sống, cải thiện môi trường xã hội…

Phó Chủ tịch UBND đề nghị cơ quan Thường trực, Văn phòng giúp việc Ban Chỉ đạo tổng hợp nhiệm vụ của các thành viên để bổ sung, xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo đảm bảo toàn diện; thành lập nhóm zalo để chuyển tải thông tin phục vụ cho quá trình chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo được thông suốt và kịp thời. Đồng thời, Ban Chỉ đạo phải tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ vi phạm lâm; trồng mới 40.000 ha trong giai đoạn 2021-2025 và trồng mới 8.000 ha rừng trong năm 2023; xây dựng kế hoạch để phân công các thành viên Ban Chỉ đạo tham gia kiểm tra thực tế ở các địa phương về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là công tác trồng rừng từ nguồn ngân sách hỗ trợ trong các năm qua để từng bước nâng cao và gắn trách nhiệm của từng thành viên đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm