Thời sự - Sự kiện

Ia Grai: Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Chư Nghé

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 22-9, UBND huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) long trọng tổ chức dâng hương, dâng hoa tại Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Nghé (xã Ia Krăi) và kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử này (22/9/1973-22/9/2023).

Dự buổi lễ, có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút; lãnh đạo các ban thuộc Tỉnh ủy; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành. Về phía lực lượng quân đội có đồng chí Nguyễn Duy Việt-nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, nguyên Chính trị viên Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48; Thiếu tướng, PGS-TS Nguyễn Hữu Mão-nguyên Phó Giám đốc Học viện Lục quân, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48; Đại tá Nguyễn Thế Tân-nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, hiện là Phó Trưởng ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320, Trưởng ban Chiến tích chiến trường; lãnh đạo Huyện ủy, UBND, các tổ chức đoàn thể và đông đảo quần chúng nhân dân.

Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Lam Nguyên

Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Lam Nguyên

Diễn văn tại lễ kỷ niệm nêu rõ: Trong kháng chiến chống Mỹ, huyện Ia Grai là địa bàn chiến lược quan trọng của cả ta và địch trên chiến trường tỉnh Gia Lai, Kon Tum và cả Tây Nguyên. Sau khi ký Hiệp định Paris 1973, nhằm ngăn chặn quân ta mở rộng vùng giải phóng, địch một mặt tăng cường lùng sục các căn cứ cách mạng, một mặt thành lập các cụm trung tâm phòng thủ. Trong số này, địch cho xây dựng căn cứ Chư Nghé trên một đồi cao (cứ điểm Lệ Ninh), nay thuộc làng Doch Ia Krót (xã Ia Krăi, cách trung tâm thị trấn Ia Kha khoảng 38 km). Tại đây, địch bố trí lực lượng hỏa lực mạnh với hệ thống lô cốt, hầm hào, công sự vững chắc, được yểm hộ phi pháo.

Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Sư đoàn 320 đã mở đợt tiến công vào khu vực phía Tây của thị xã Pleiku nhằm phân tán lực lượng địch, tạo điều kiện cho Sư đoàn 10 giữ vững phía Bắc thị xã Kon Tum và các đơn vị đánh địch lấn chiếm trên các trục đường 19, 14. Đầu tháng 9-1973, Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 320 đứng chân tại 2 huyện 4 và 5 của tỉnh mở đợt tấn công địch, mục tiêu chủ yếu là căn cứ Chư Nghé. Sư đoàn 320 giao cho Trung đoàn 48 làm nhiệm vụ phối hợp với du kích địa phương và Nhân dân trên địa bàn huyện 4 (nay thuộc xã Ia Krăi, huyện Ia Grai) quyết tâm đánh bại cứ điểm.

13 giờ ngày 22-9-1973, nhận thấy thời cơ thuận lợi, quân ta bắt đầu nổ súng mở màn cuộc tấn công. Sau vài phút hoảng loạn, địch bắt đầu chống trả quyết liệt, đồng thời gọi phi pháo và máy bay yểm trợ, đánh trả. Tuy nhiên, nhờ sự dũng cảm, mưu trí và hiệp đồng tác chiến hiệu quả của các binh chủng, thế trận bao vây cứ điểm Chư Nghé ngày càng siết chặt, mọi cuộc phản công của địch đều bị thất bại. Trước tình hình đó, địch buộc phải đầu hàng lúc 16 giờ 40 phút cùng ngày. Tiểu đoàn 80 Biệt động quân của địch bị bắt sống và tiêu diệt gọn. Ta thu được 50 tấn đạn, diệt 80 tên, bắt 204 tên, thu 205 khẩu súng, 13 vô tuyến. Phía ta có 18 đồng chí hy sinh và 24 đồng chí bị thương.

Các đại biểu tham quan triển lãm 50 năm chiến thắng Chư Nghé tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Lam Nguyên

Các đại biểu tham quan triển lãm 50 năm chiến thắng Chư Nghé tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Lam Nguyên

Chiến thắng Chư Nghé không những tiêu diệt lớn hỏa lực địch ngay tại một trung tâm xuất phát lấn chiếm vùng giải phóng mà còn là lời trừng trị thích đáng, lời cảnh cáo đanh thép của quân và dân ta đối với những kẻ cố tình chống lại nguyện vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc và các hành động phá hoại Hiệp định Paris năm 1973. Chiến thắng này còn giúp ta mở rộng vùng giải phóng về phía Tây Nam Pleiku và vùng đường hành lang tiếp vận chiến lược lương thực, tạo khí thế mới cho quân và dân trong tỉnh và mặt trận Tây Nguyên, cụ thể là góp phần giữ vững vùng giải phòng, đảm bảo hành lang vận chuyển chiến lược Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh. Ở khía cạnh quân sự, chiến thắng này còn đánh dấu bước phát triển nhiều mặt trong phương thức tác chiến tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc ở địa bàn rừng núi. Ngày 16-11-2018, Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Nghé đã được UBND tỉnh Gia Lai công nhận xếp hạng Di tích cấp tỉnh.

“Đây là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, tạo khí thế thi đua sôi nổi để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì Chủ nghĩa xã hội”-Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Quý khẳng định.

Lãnh đạo huyện Ia Grai tri ân các tập thể, cá nhân trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại Chiến thắng Chư Nghé. Ảnh: Lam Nguyên

Lãnh đạo huyện Ia Grai tri ân các tập thể, cá nhân trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại Chiến thắng Chư Nghé. Ảnh: Lam Nguyên

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã tặng quà 3 tập thể, 14 cá nhân từng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại Chiến thắng Chư Nghé cũng như có thành tích trong công tác lập hồ sơ, xây dựng, bảo tồn di tích.

Có thể bạn quan tâm