Sau khi tham gia lớp học nghề do Trung tâm GDNN-GDTX huyện phối hợp với xã Ia Sao tổ chức vào năm 2022, anh Rơ Mah Thu (làng Nang) đã trở thành thợ nề lành nghề. Nhằm nâng cao thu nhập, anh theo các chủ thầu xây dựng các công trình dân dụng. Giờ đây, nghề thợ xây đem lại cho anh trên 9 triệu đồng/tháng, chất lượng cuộc sống gia đình được cải thiện đáng kể.
Lớp học nghề thợ nề tại làng Bồ (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) thu hút nhiều học viên tham gia. Ảnh: M.K |
Tương tự, 22 học viên làng Bồ (xã Ia Yok) cũng đang chăm chỉ theo học nghề thợ nề. Anh Rơ Châm Luh cho hay: “Không chỉ riêng tôi mà các học viên khác đều mong muốn nắm vững kỹ thuật nghề thợ nề. Chúng tôi hy vọng khi thành thạo nghề có thể đi làm để kiếm thêm thu nhập”. Còn theo Trưởng thôn Rơ Châm Kil thì: “Thanh niên trong làng trước giờ chỉ ở nhà phụ việc nương rẫy giúp bố mẹ. Khi địa phương tổ chức lớp học, chúng tôi vận động mọi người tham gia. Vì phù hợp với nhu cầu đào tạo cũng như được thực hành thường xuyên nên học viên rất hào hứng và tiếp thu nhanh các kiến thức, kỹ năng được truyền đạt”.
Ông Hà Minh Tiến-Tổ trưởng tổ đào tạo nghề (Trung tâm GDNN-GDTX huyện) cho biết: Giáo viên đứng lớp dạy theo phương pháp tích hợp, lý thuyết song song với thực hành. Tuy nhiên, chúng tôi luôn ưu tiên nội dung thực hành tới 80% bởi các học viên là lao động nông thôn cần có cọ xát thực tiễn. Nội dung các lớp dạy nghề chủ yếu là những kiến thức cơ bản, được các giáo viên truyền đạt một cách đơn giản, dễ hiểu để mọi học viên đều có thể tiếp thu đầy đủ. Thời gian học là 3,5 tháng. Học viên tham gia rất tích cực và vận dụng tốt vào thực tế.
Hàng năm, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ia Grai đã tiến hành rà soát nhu cầu đào tạo nghề của lao động nông thôn tại các xã, thị trấn và nhu cầu đào tạo của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Qua đó, Trung tâm chủ động chuẩn bị các điều kiện đào tạo về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình. Đồng thời, đơn vị cũng định kỳ cập nhật kiến thức mới để hoàn chỉnh bộ chương trình, giáo trình nhằm đáp ứng nhu cầu người học.
Hiện nay, Trung tâm đã xây dựng, biên soạn và ban hành 8 bộ chương trình, giáo trình đào tạo nghề gồm: trồng cà phê, điều, hồ tiêu, lúa năng suất cao; xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng động cơ diesel, điện nội thất; nuôi và phòng bệnh cho heo. Ngoài ra, Trung tâm còn khuyến khích cán bộ, giáo viên sử dụng các phương tiện, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả trong công tác giảng dạy và tuyển sinh như: sử dụng các ứng dụng, trang thông tin điện tử, mạng xã hội…
Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên luôn được chú trọng. Năm 2020, Trung tâm đã cử 2 cán bộ, giáo viên tham gia lớp tập huấn cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp do Tổng cục GDNN tổ chức; năm 2022, cử 1 giáo viên tham gia bồi dưỡng chuẩn chức danh giáo viên GDNN lý thuyết hạng III.
“Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn nắm bắt số lượng học viên sau đào tạo có việc làm và mức thu nhập. Việc báo cáo, thống kê về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thực hiện định kỳ hàng tháng bằng phần mềm quản lý thông tin tuyển sinh của Tổng cục GDNN và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của các cơ quan, ban, ngành”-ông Tiến thông tin.
Người lao động huyện Ia Grai tham gia lớp học trồng lúa năng suất cao. Ảnh: Mai Ka |
Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm đã mở 27 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 729 học viên. Nhờ đó, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm của huyện đã đạt được những kết quả thiết thực, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong các tầng lớp nhân dân; đề cao ý thức học tập, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, ý thức kỷ luật, kỹ năng lao động sản xuất, góp phần giải quyết việc làm hàng năm, đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng đời sống.
Ông Nguyễn Quang Thuấn-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm GDNN-GDTX huyện-cho biết: Thời gian qua, công tác đào tạo nghề được huyện rất chú trọng thực hiện, trong đó ưu tiên các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ khuyết tật và người dân tộc thiểu số. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp với đối tượng người dân tộc thiểu số; đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GDNN đối với các trình độ, ngành nghề đào tạo tại các địa phương.