Xã hội

Gia đình

Ia Ma Rơn: Chú trọng công tác hòa giải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, mỗi thôn, làng của xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa) đều có tổ hòa giải với 10-12 thành viên do các già làng, trưởng thôn và người uy tín phụ trách. Nhờ gần dân và am hiểu pháp luật, phong tục tập quán nên các tổ hòa giải đã góp phần ổn định an ninh trật tự tại địa phương.
Năm 2019, xã Ia Ma Rơn đã xảy ra 16 vụ tranh chấp, trong đó liên quan đến tranh chấp đất đai 7 vụ, hôn nhân và gia đình 4 vụ, an ninh trật tự thôn làng 4 vụ và 1 vụ liên quan đến vay nợ. Nhờ làm tốt công tác hòa giải nên hầu hết các vụ việc được giải quyết ổn thỏa ngay từ cơ sở. Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn xã chỉ xảy ra 2 vụ: 1 vụ liên quan đến đất đai, 1 vụ liên quan đến mâu thuẫn gia đình. Để đạt kết quả đó, Đảng ủy và UBND xã luôn quan tâm công tác rà soát, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên, tổ chức các buổi tập huấn để nâng cao kiến thức pháp luật, văn hóa ứng xử cho các thành viên trong tổ hòa giải. Đồng thời, điểm thuận lợi là các thành viên sử dụng tiếng Jrai để trực tiếp hòa giải nên rất gần gũi, dễ hiểu, giúp người dân nắm bắt nhanh vấn đề. Bên cạnh đó, trong quá trình hòa giải, các thành viên trong tổ vận dụng hài hòa giữa phong tục tập quán, hương ước, quy ước của thôn làng với các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước nên giải quyết các mâu thuẫn một cách hợp tình, hợp lý, đúng pháp luật.
Tổ hòa giải của thôn Marin 3, xã Ia Ma Rơn hòa giải một vụ mâu thuẫn trong cộng đồng. Ảnh: R.H
Tổ hòa giải của thôn Marin 3, xã Ia Ma Rơn hòa giải một vụ mâu thuẫn trong cộng đồng. Ảnh: R.H
Ông Lương Văn Hiếu-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ma Rơn-cho biết: “Hàng tuần, tại các buổi giao ban của xã, các thành viên trong 10 tổ hòa giải thôn, làng phải báo cáo và phản ánh kịp thời tình hình của thôn, làng mình để trên cơ sở đó xã đưa ra các biện pháp giải quyết phù hợp. Đồng thời, các già làng, trưởng thôn và người có uy tín luôn chủ động gần dân nên việc gì giải quyết cũng nhanh chóng, hiệu quả”.
Chị Siu Hương (thôn Marin 2) chia sẻ: “Trước đây vợ chồng tôi thường hay cãi vã, bất hòa. Nguyên nhân là do chồng tôi hay rượu chè, bỏ bê công việc. Khi tôi khuyên giải thì thỉnh thoảng còn bị chồng bạo hành nên chị em phụ nữ báo lên thôn. Biết thông tin, tổ hòa giải đã đến trò chuyện, thuyết phục. Bây giờ chồng tôi không còn bê tha rượu chè mà chí thú làm ăn, chăm lo cuộc sống”. Còn chị Ksor H’Liếu (thôn Marin 3) kể lại: “Vài năm trước tôi và em rể có mâu thuẫn, bất hòa nên đôi co qua lại thường xuyên. Chị em cứ xích mích như vậy thì buồn lắm, vì vậy tôi nhờ tổ hòa giải giúp giải quyết những chuyện không vui. Qua phân tích, giải thích, bây giờ tình nghĩa chị em chúng tôi đã gắn kết trở lại như xưa”.
Theo ông Rơ Ô Lin-Tổ trưởng tổ hòa giải thôn Marin 3, trước bất kỳ vụ việc nào tổ cũng luôn tìm hiểu thật kỹ để nắm chắc các vấn đề; mổ xẻ nguyên nhân từng sự việc. “Do sự hiểu biết của người dân còn hạn chế, nhận thức về các vấn đề xã hội chưa cao nên khi hòa giải phải vận dụng khéo léo các quy ước, hương ước của thôn, làng và các quy định của pháp luật để giúp họ từng bước nắm rõ và đồng thuận. Điều này giúp các tổ hòa giải giải quyết ổn thỏa các vụ việc ngay từ cơ sở”-ông Lin cho hay.
R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm