Xã Ia Trốk hiện có 960 ha đất trồng lúa, 740 ha đất trồng cây rau màu và hơn 128 ha đất trồng cây lâu năm. Vụ Đông Xuân 2023-2024, người dân đã chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả và diện tích rau ngót cho năng suất thấp sang trồng khoai lang (90 ha), dưa hấu (160 ha), bắp sinh khối (150 ha) và thuốc lá (365 ha). Đặc biệt, 1 hộ dân tiên phong chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm, mở ra hướng phát triển mới cho nông nghiệp địa phương.
Anh Hoàng Văn Nam-Công chức Địa chính xã Ia Trốk-cho hay: Năm nay, nguy cơ hạn kéo dài, nguồn nước không đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp. Do đó, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân không nên gieo sạ lúa tăng vụ bởi công trình thủy lợi sẽ cắt nước sau ngày 30-4. Với diện tích sản xuất rau màu, địa phương tuyên truyền, vận động các hộ dân lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để vừa tiết kiệm nguồn nước, nhân công, vừa nâng cao năng suất cây trồng.
Ông Trần Ngọc Cường (thôn Quý Tân, xã Ia Trốk) cho biết: Gia đình ông có 6 ha đất nông nghiệp. Năm 2019, ông chuyển 4 ha sang trồng rau ngót. Thời kỳ cao điểm, rau ngót cho lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm, cao gấp 8-10 lần trồng lúa. Tuy nhiên, 1 năm trở lại đây, năng suất rau ngót giảm mạnh do chết gốc nhiều dẫn đến thua lỗ. Vì vậy, đầu năm 2024, ông chuyển toàn bộ 4 ha rau ngót sang trồng dâu nuôi tằm.
“Trước đây, 1 sào rau ngót cho năng suất 3 tấn/vụ, chỉ với giá 3 ngàn đồng/kg thì bà con vẫn có lãi. Tuy nhiên, hiện tại, giá rau ngót tăng lên 5 ngàn đồng/kg nhưng năng suất chỉ đạt 1 tấn/sào nên bà con lỗ vốn. Được doanh nghiệp tại Chư Sê tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm, năm nay, tôi thí điểm mô hình trồng dâu nuôi tằm trên diện tích 4 ha.
Sau 2 tháng xuống giống, cây dâu sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến sẽ thu hoạch vào đầu tháng 5 tới. Nếu kết quả khả quan, tôi sẽ chuyển giao kỹ thuật cho bà con cùng làm để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, thúc đẩy phát triển nông nghiệp địa phương”-ông Cường chia sẻ.
Ông Trần Ngọc Cường (thôn Quý Tân, xã Ia Trốk) chuyển đổi 4 ha rau ngót sang trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: N.H |
Tương tự, chị Lê Thị Thảo-Cán bộ Nông nghiệp xã Ia Mrơn-cho hay: Hiện nay, diện tích đất sản xuất của xã có trên 2.000 ha. Qua tuyên truyền, người dân đã chuyển đổi 172 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng khoai lang, dưa hấu và thuốc lá. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cây trồng; hỗ trợ người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng để nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập.
Trao đổi với P.V, ông Trần Đình Đức-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa-thông tin: Vụ Đông Xuân 2023-2024, toàn huyện gieo trồng được 11.704 ha, đạt 103,6% kế hoạch và bằng 100,8% so với vụ Đông Xuân trước. Trong đó, hơn 3.100 ha cây trồng kém hiệu quả được chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như: thuốc lá, dưa hấu, khoai lang, bắp sinh khối...
Qua theo dõi, các cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt; một số mô hình cho giá trị kinh tế cao như: dưa hấu cho năng suất bình quân 35-40 tấn/ha (trừ chi phí lãi 60-80 triệu đồng/ha); thuốc lá cho năng suất bình quân 3,1 tấn/ha/vụ (trừ chi phí lãi 50-60 triệu đồng/ha); bắp sinh khối cho năng suất bình quân khoảng 50 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 27 triệu đồng/ha…
Nông dân xã Ia Trôk phấn khởi thu hoạch bắp sinh khối. Ảnh: N.H |
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết thêm: Thời gian tới, Phòng tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền người dân nắm được các vùng sản xuất tập trung gắn với từng loại cây trồng để thực hiện, trong đó, tập trung chuyển đổi những vùng đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao.
Ngoài ra, huyện cũng tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm, liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất; huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.