Ông Đinh Văn Phước (làng Đê Tur, xã Đăk Djrăng) cho biết: Năm 2014, 2 ha hồ tiêu của gia đình ông bị bệnh chết, phải phá bỏ. Sau đó, ông lặn lội sang tỉnh Đắk Lắk tìm hiểu quy trình trồng mắc ca và mua 300 cây về trồng trên diện tích này. Ông nhận thấy cây mắc ca ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư lại thấp.
Không những vậy, ông còn tận dụng chỗ trống trong vườn để trồng xen cà phê. Năm 2018, vườn mắc ca bắt đầu cho thu bói. Hiện vườn mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế ổn định hơn so với nhiều loại cây trồng khác.
“Bình quân, 1 cây mắc ca thu được 12 kg quả tươi. Sau khi thu hoạch, tiến hành bóc vỏ bán cho thương lái với giá 82-85 ngàn đồng/kg. Năm 2023, mỗi cây mắc ca cho thu nhập 1-1,2 triệu đồng, gia đình thu về 300 triệu đồng, chưa tính nguồn thu từ cà phê. Trong khi đó, chi phí đầu tư cùng chăm sóc 2 loại cây này khoảng 50-60 triệu đồng/ha”-ông Phước cho hay.
Cũng theo ông Phước, khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều hộ trên địa bàn xã đã chuyển sang trồng mắc ca xen trong vườn cà phê hoặc trồng thuần theo hướng chuyên canh. Nếu đầu tư chăm sóc tốt thì 4 năm mắc ca cho thu bói, còn bình thường thì 5 năm và có ưu thế là không bị áp lực thuê nhân công chăm sóc.
Ông Phước bên vườn mắc ca đang ra hoa. Ảnh: N.D |
Theo ông Nguyễn Mạnh Điệp-Chủ tịch UBND xã Đăk Djrăng: Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn xã đã chủ động chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả, thường xuyên bị hạn sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: mắc ca, sầu riêng, chanh dây, cây ăn quả. Việc làm này giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Còn ông Võ Đình Huy-Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng thì thông tin: Từ năm 2023 đến nay, người dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi một phần diện tích mì năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng cây hoa hòe.
Bên cạnh đó, bà con liên kết với Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai trồng gần 300 ha mía. Năm 2024, xã tiếp tục khảo sát những diện tích đất phù hợp để chuyển sang trồng cây cà phê giúp người dân nâng cao thu nhập, sản xuất theo hướng bền vững.
Người dân xã Kon Chiêng chuyển đổi một phần diện tích mì năng suất thấp sang trồng cây hòe. Ảnh: N.D |
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang, năm 2023, huyện đã chuyển đổi 45 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng mắc ca, sầu riêng, chanh dây. Còn vụ Đông Xuân 2023-2024, huyện tiếp tục hướng dẫn người dân chuyển đổi 50 ha đất lúa kém hiệu quả sang một số cây trồng khác không phụ thuộc vào nước tưới.
Năm 2023, UBND huyện Mang Yang đã ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND về chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, giai đoạn 2023-2025, chuyển đổi khoảng 1.307,6 ha cây trồng kém hiệu quả sang sản xuất rau, cây ăn quả, cây dược liệu, cây làm thức ăn chăn nuôi và cây trồng khác. Trong đó, tập trung chuyển đổi khoảng 120 ha đất lúa kém hiệu quả, 847 ha đất trồng mì, 13,8 ha đất trồng điều và 326,8 ha đất trồng cao su.
Đồng thời, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cũng đang phối hợp với một đơn vị tổ chức lấy mẫu đất ở các xã, thị trấn phân tích điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với từng loại cây trồng để định hướng người dân sản xuất theo hướng chuyên canh tập trung hàng hóa, gắn chế biến tiêu thụ để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất.
Trao đổi với P.V, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Minh Quang cho biết: Trên cơ sở định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng chung của huyện, những năm gần đây, các xã, thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát triển một số cây trồng chủ lực theo các tiêu chuẩn xuất khẩu phù hợp với lợi thế của địa phương gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ theo nhu cầu thị trường.
Xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất nâng cao năng suất và giá trị. Hình thành, phát triển các vùng sản xuất, xuất khẩu cây ăn quả tập trung tại các xã: Đak Ta Ley, Đăk Yă, Lơ Pang, Kon Thụp, Kon Chiêng và vùng sản xuất cây dược liệu ở các xã: Đak Jơ Ta, Hra, Lơ Pang, Kon Thụp, Đê Ar, Đăk Trôi, Kon Chiêng.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đẩy mạnh kết nối, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương. Xây dựng và hình thành chuỗi kết nối sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương đến thị trường trong và ngoài tỉnh để nâng cao giá trị nông sản phát triển theo hướng bền vững”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện nhấn mạnh.