Giáo dục

Ia Pa: Sôi nổi hội thi vòng xoang trong trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, tiếng cồng chiêng lại ngân vang trong các trường học ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai). Những em học sinh mầm non đến tiểu học, THCS thường ngày vốn nhút nhát bỗng trở thành những vũ công thực sự trong điệu xoang uyển chuyển, nhịp nhàng.
Với bước chân uyển chuyển, nhịp nhàng, đội thi số 03 (lớp 3, 4, 5 tuổi A3) giành giải nhất hội thi Vòng xoang Tây Nguyên tại Trường Mẫu giáo Họa My. Ảnh: Vũ Chi

Với bước chân uyển chuyển, nhịp nhàng, đội thi số 03 (lớp 3, 4, 5 tuổi A3) giành giải nhất hội thi Vòng xoang Tây Nguyên tại Trường Mẫu giáo Họa My. Ảnh: Vũ Chi

Trong không khí náo nức những ngày cuối năm, ngày 31-1 vừa qua, Trường Mẫu giáo Họa My (xã Ia Tul) tổ chức hội thi “Vòng xoang Tây Nguyên” với sự tham gia của 6 đội thi. Là năm đầu tiên nhà trường tổ chức, song hội thi đã được các em học sinh cùng phụ huynh hào hứng đón nhận. Các em học sinh từ 3-5 tuổi xinh tươi, rạng rỡ trong trang phục của những chàng trai, cô gái Jrai. Những đôi chân trần bé nhỏ cả ngày tung tăng chạy nhảy thì nay nhịp bước uyển chuyển theo tiếng cồng chiêng vang vọng giống như những nghệ nhân thực thụ.

Cô Mai Thị Thanh Vân-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Họa My cho biết: Để tổ chức hội thi, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với đội cồng chiêng của buôn Tơ Khế chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Với 186 học sinh, trong đó 100% là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nên các em có lợi thế khi đã được cảm thụ tiếng cồng chiêng ngay từ khi lọt lòng mẹ. Tuy nhiên, do còn nhỏ nên ngoài các em học sinh, mỗi đội thi có sự góp mặt của cô giáo chủ nhiệm và 2 phụ huynh. Dưới sự dìu dắt của cô và mẹ, các em học sinh đã hòa mình vào thanh âm cồng chiêng, hoàn thành bài thi một cách xuất sắc. Kết thúc hội thi, Ban tổ chức trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 3 giải khuyến khích. Trong đó, giải nhất thuộc về đội số 03 (lớp 3, 4, 5 tuổi A3).

Với cách hóa trang độc đáo kết hợp với điệu xoang nhịp nhàng, các em học sinh đã có những màn trình diễn ấn tượng, mang âm hưởng đại ngàn. Ảnh: Vũ Chi

Với cách hóa trang độc đáo kết hợp với điệu xoang nhịp nhàng, các em học sinh đã có những màn trình diễn ấn tượng, mang âm hưởng đại ngàn. Ảnh: Vũ Chi

“Thông qua hội thi, nhà trường mong muốn khơi dậy tình yêu và lòng tự hào với văn hóa truyền thống của dân tộc trong học sinh; qua đó góp phần bảo tồn và phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc nói chung, văn hóa cồng chiêng và điệu xoang nói riêng. Đây cũng là sân chơi cho học sinh giao lưu, học hỏi lẫn nhau, tạo không khí vui tươi cho học sinh vui Xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc”-cô Vân nhấn mạnh.

Là thành viên đội cồng chiêng tham gia hội thi, nghệ nhân Ksor Trim (buôn Tơ Khế) chia sẻ: “Đã từng tham gia trình diễn cồng chiêng rất nhiều trong các lễ hội, hội thi, song đây là lần đầu tiên tôi tham gia đánh chiêng cho các cháu mầm non nhảy xoang. Thật mừng vì con, cháu mình biết cảm nhận thanh âm cồng chiêng, nhịp xoang khi còn rất nhỏ. Hy vọng địa phương cùng các trường học sẽ thường xuyên tổ chức các hội thi tương tự để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn, yêu hơn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Tiếp nối thành công của 12 năm triển khai hội thi vòng xoang, ngày 1-2, Trường Tiểu học và THCS Nay Der (xã Chư Mố) tiếp tục triển khai hội thi vòng xoang cho các em học sinh từ khối lớp 5 đến khối lớp 9. Cô Nguyễn Thị Thanh Vui-Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Bao đời nay, cồng chiêng hòa quyện trong vòng xoang nhịp nhàng đã gắn liền với đời sống người dân từ khi sinh ra cho đến khi về cõi Atâu, làm nên nét đặc sắc riêng của văn hóa Tây Nguyên. Vì vậy, thông qua hội thi, nhà trường mong muốn tạo sân chơi văn hóa bổ ích để học sinh giao lưu, chia sẻ, tăng tình đoàn kết; đồng thời tạo cho các em cơ hội đắm mình trong âm thanh trầm bổng của tiếng cồng chiêng mà cha ông đã lưu truyền lại, từ đó thêm yêu, trân trọng và có ý thức bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.

Trong nhịp chiêng lúc réo rắt, khi trầm bổng, với cách hóa trang độc đáo kết hợp với điệu xoang nhịp nhàng, các em học sinh đã mang đến những màn trình diễn ấn tượng, mang âm hưởng đại ngàn. Em Kpă H’Duyên (học sinh lớp 9B) bộc bạch: “Chúng em đã tập luyện rất kỹ để tham gia hội thi và thực sự vỡ òa khi đạt giải nhất khối 7,8,9. Từ kinh nghiệm trong các hội thi do trường tổ chức, chúng em tích cực tham gia trình diễn tại các lễ hội của làng như lễ bỏ mả, cúng mừng lúa mới, cúng bến nước…qua đó góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc”.

Hội thi vòng xoang Trường Tiểu học và THCS Nay Der tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho toàn thể giáo viên, học sinh dịp Tết đến, Xuân về. Ảnh: Vũ Chi

Hội thi vòng xoang Trường Tiểu học và THCS Nay Der tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho toàn thể giáo viên, học sinh dịp Tết đến, Xuân về. Ảnh: Vũ Chi

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thái Sơn-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Ia Pa-thông tin: Thực hiện Đề án 02 của Huyện ủy về “Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào tại chỗ, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở vững mạnh”, từ năm 2017 đến nay, Trung tâm phối hợp tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cồng chiêng trong trường học. Đến nay có 9 trường THCS trong huyện thành lập được 1 đội cồng chiêng và nhảy xoang. Đây là cơ sở để các trường tổ chức hội thi vòng xoang hàng năm.

Nét mới của hội thi năm nay là không chỉ có các trường Tiểu học, THCS mà cả các trường mầm non cũng tổ chức, tạo không khí vui tươi cho giáo viên, học sinh nhân dịp Tết đến, Xuân về. Thời gian tới, hy vọng các trường có thể phối hợp, mở rộng quy mô hội thi, mời các trường lân cận trên địa bàn huyện cùng tham gia, vừa tạo cơ hội cho các em học sinh giao lưu, học hỏi vừa nhân rộng mô hình, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.

Có thể bạn quan tâm