Ia Rtô: Thay đổi nếp nghĩ để thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với sức lan tỏa sâu rộng, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã góp phần nâng cao đời sống của đồng bào Jrai ở xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa.
Nhiều cách làm hay
Đến thăm gia đình chị Siu HKrốt (buôn Jứ Ama Nai), chúng tôi nhận thấy rõ hiệu quả của việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Trước năm 2012, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Dù gia đình lúc đó có 1 ha đất trồng mì, 5 sào bắp và 5 sào lúa nước cùng với 2 lao động chính nhưng vẫn không đủ ăn. “Vì không biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chi phí và công sức lao động bỏ ra nhiều mà năng suất thấp, thu nhập không đáng kể. Gia đình lại không biết tiết kiệm nên quanh năm cứ thiếu trước hụt sau, nhất là những ngày giáp hạt phải đi vay lương thực ăn dần, đến lúc thu hoạch thì trả bằng sản phẩm”-chị HKrốt cho hay.   
Được cán bộ đến tận nhà vận động đăng ký thoát nghèo, chị HKrốt đã mạnh dạn tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do xã tổ chức. Cán bộ phụ nữ lại đến nhà tận tình hướng dẫn cách chi tiêu hợp lý và tiết kiệm. Sau đó, chị còn tham gia mô hình cánh đồng lúa lớn một giống và trồng mì cao sản cho thu nhập ổn định. Có tiền tích lũy, chị mua 2 con bò cái về nuôi. Sau 3 năm, đàn bò tăng lên 6 con; bò mẹ đẻ bò con, nuôi lớn thì bán. Tiếp đó, chị thuê 1 ha đất để trồng cây thuốc lá, thu về gần 80 triệu đồng/năm. Hiện tổng thu nhập của gia đình chị đạt trên 190 triệu đồng/năm. 
 Ngườn dân xã Ia Rtô được mùa bắp nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Đ.P
Ngườn dân xã Ia Rtô được mùa bắp nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Đ.P
Ngoài vận động chị em tích cực sản xuất, tháng 10-2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Rtô đã chọn chi hội Phụ nữ buôn Phu Ama Nhe 2 để xây dựng Câu lạc bộ phụ nữ tiết kiệm. Có 15 chị tham gia câu lạc bộ, trong đó có 4 chị thuộc hộ nghèo, 2 chị cận nghèo, 9 chị có mức sống trung bình. Mục tiêu là mỗi năm câu lạc bộ tiết kiệm gây quỹ được 5-10 triệu đồng để xoay vòng cho chị em mượn vốn làm ăn. “Cán bộ phụ nữ xã còn đến nhà hướng dẫn chị em sắp xếp nhà cửa, chú ý nền nếp sinh hoạt gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ; bố trí lịch công việc, sinh hoạt hợp lý; hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi heo, bò, dê… nhất là cách chi tiêu hợp lý để tiết kiệm”-bà Mang Thị Tuyết Như-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Rtô-cho biết. 
Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, cả 15 chị trong câu lạc bộ đều biết chi tiêu hợp lý và có tiền tiết kiệm, người nhiều nhất là chị Ksor HBách tiết kiệm được 80 triệu đồng gửi ngân hàng; người ít nhất như chị Nay HNhao cũng bỏ heo đất được hơn 6 triệu đồng. Từ thành công của câu lạc bộ, được sự nhất trí của Đảng ủy xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Rtô đã thành lập thêm câu lạc bộ phụ nữ tiết kiệm ở buôn Phu Ama Miơng và xây dựng kế hoạch phát triển ở 5/5 thôn làng trong xã.  
Huy động nhiều nguồn lực
Thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Rtô đã triển khai cho các thành viên đăng ký thực hiện các mô hình điểm, đồng thời tranh thủ nguồn lực hỗ trợ để nhân rộng các mô hình. 
Ông Huỳnh Thanh Thọ-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Rtô-cho hay: Năm 2017, Thị ủy Ayun Pa ra nghị quyết huy động nguồn lực giúp xã Ia Rtô xây dựng nông thôn mới, trong đó giao chỉ tiêu cho mỗi cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể thị xã chịu trách nhiệm giúp đỡ ít nhất 1 hộ thoát nghèo. Chủ trương đó đã trở thành đòn bẩy để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp xã Ia Rtô hoàn thành các tiêu chí và được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào đầu năm 2018. Cùng với đó, đầu năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã lựa chọn xã Ia Rtô làm điểm triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và hỗ trợ 200 triệu đồng mua tặng dê Bách Thảo giống cho 20 hộ nghèo trong xã.
Ông Thọ cũng cho hay, các thành viên Mặt trận xã đã tích cực hướng dẫn kỹ thuật giúp các hộ dân làm chuồng trại, trồng cỏ nuôi dê… Đến nay, ngoài 4 hộ có dê bị chết vì bệnh thì đàn dê của 16 hộ còn lại đều phát triển tốt. Nhiều hộ đã phát triển đàn dê lên hơn chục con như hộ anh Kpă Thuyên ở buôn Jứ Ama Nai; từ 3 con dê được hỗ trợ ban đầu, đến nay anh đã nhân đàn lên 12 con. Vừa rồi anh bán 8 con dê, mua được 2 sào ruộng để trồng lúa. Nhờ chịu khó và tiết kiệm chi tiêu nên cuối năm 2018, gia đình anh Kpă Thuyên đã thoát nghèo.
Đến nay, xã Ia Rtô chỉ còn 46/790 hộ thuộc diện nghèo và số này đang tiếp tục được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội địa phương chung tay hỗ trợ để sớm thoát nghèo trong thời gian tới.
Đức Phương

Có thể bạn quan tâm