Mê xê dịch

Xách balo lên và đi

Ia Tô đẹp mùa chôm chôm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Khi những cơn mưa bắt đầu nơi miền biên giới Ia Grai (tỉnh Gia Lai) cũng là lúc những vườn chôm chôm ở xã Ia Tô cho quả bói đầu mùa chín đỏ, ẩn hiện trong đám lá xanh.

Lúc này, du khách chỉ cần men theo cung đường đất đỏ uốn lượn, hiền hòa, rồi thả gót giữa lối mòn dưới tán cây rợp bóng mát trong vườn rẫy, mắt đã chạm ngay những chùm chôm chôm đỏ au la đà trong gió.

Từ trung tâm TP. Pleiku theo tỉnh lộ 664 khoảng 32 km là đến thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai. Những ngày này, xã Ia Tô đang là điểm đến thu hút khách tham quan những vườn chôm chôm trĩu quả, rợp mát một vùng. Nếu lựa chọn phương tiện xe máy, ta không chỉ thưởng ngoạn không gian trên cung đường với nhiều rừng cao su bạt ngàn xanh lá mà còn bất ngờ bởi không khí nhộn nhịp, rộn ràng khi nơi đây đang là chính vụ chôm chôm.

Du khách tham quan và mua chôm chôm tại vườn ở xã Ia Tô. Ảnh: N.T.D

Du khách tham quan và mua chôm chôm tại vườn ở xã Ia Tô. Ảnh: N.T.D

Chôm chôm chín đỏ trên đất sỏi

Nhiều hộ dân ở đây cho biết: Họ trồng chôm chôm từ năm 1998. Cây giống mua ở Long Khánh, Đồng Nai. Sau này có thêm giống chôm chôm nhãn. Hiện nay, dòng chôm chôm Tiến Cường đang phát triển, nhân rộng ở một số hộ. Cả thôn 6 có 180 hộ thì 100 hộ trồng chôm chôm trên diện tích 20 ha. Một số chuyên canh, số còn lại trồng xen trong vườn cà phê cùng cây sầu riêng và cây bơ. Nhận thấy đây là một loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân dần mở rộng diện tích.

Ông Lê Trung Giang-Trưởng thôn 6-cho hay: “Cây chôm chôm thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, tuổi khai thác kéo dài, giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ khá ổn định”.

Quả chôm chôm trên vùng đất Ia Tô có vị ngọt thanh, giòn hơn chôm chôm trồng ở vùng đất thịt như: Long Khánh (Đồng Nai), Đồng Phú (Bình Phước)… Theo người dân nơi đây, trồng chôm chôm không mất nhiều công lao động, chỉ cần phân chia thời vụ bón phân, tưới nước và để ý trong quá trình nuôi dưỡng quả là có thể thu hoạch với năng suất cao.

Chị Phạm Thị Bích Lãnh hồ hởi chia sẻ: “Giá chôm chôm bán tại vườn đang ở mức 15-20 ngàn đồng/kg với chôm chôm Thái (chôm chôm nhãn); 10-12 ngàn đồng/kg với chôm chôm thường. Với 120 cây chôm chôm Thái trong vườn, mỗi vụ, gia đình thu về hơn 200 triệu đồng”.

Du lịch sinh thái từ vườn rẫy

Dưới tán cây rợp mát, với tay hái một chùm quả chôm chôm thưởng thức hương vị ngọt ngào, ta sẽ quên đi bao nỗi mệt nhọc và càng yêu thêm mảnh đất Tây Nguyên nắng gió. Nhìn từ xa, những quả chôm chôm lấp ló trong tán lá mời gọi những bàn tay hái vội. Niềm vui hiện dần trên khuôn mặt. Màu đỏ của chôm chôm hình như góp phần làm cho đôi má nhiều sương gió của các cô thiếu nữ vùng biên thêm ửng hồng, thêm hạnh phúc.

Mùa chôm chín trên đất Ia Tô. Ảnh: N.T.D

Mùa chôm chín trên đất Ia Tô. Ảnh: N.T.D

Mùa mưa đến cũng là vào vụ thu hoạch chôm chôm. Nhiều hôm người dân đội mưa để thu hoạch chôm chôm cho kịp đợt chín rộ. Đàn ông vác chiếc giỏ to leo lên cây, nhanh tay bẻ những chùm chôm chôm chín đỏ. Phụ nữ ở bên dưới xếp lá chuối cho vào thùng giấy rồi nhặt bớt cành và bỏ từng chùm quả ngay ngắn vào trong. Riêng với chôm chôm Thái thì phải ngắt rời từng quả sau đó phân loại rồi mới đóng thùng chở đi giao cho thương lái.

Hiện nay, nhiều hộ dân ở thôn 6 tham gia mô hình du lịch sinh thái từ vườn rẫy. Từ đó đã mở thêm cơ hội phát triển du lịch cho vùng đất này. Bà Vũ Thị Mến chia sẻ: Gia đình bà có 3 sào đất trồng khoảng 20 cây chôm chôm, mỗi vụ thu được 40 triệu đồng. 2 tháng trở lại đây, bà đón nhiều du khách tham quan khu vườn. Nhờ đó, bà không còn lo về đầu ra, lợi nhuận thu được từ vườn chôm chôm cũng tăng hơn nhiều so với trước.

Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 439719 cho sản phẩm “Chôm chôm Ia Grai Gia Lai”. Việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý chứng tỏ chôm chôm ở huyện Ia Grai có danh tiếng và khẳng định chất lượng đặc thù mà chôm chôm vùng khác không thể có được. Theo sự bảo hộ này, chôm chôm nơi đây trở thành lựa chọn ưu tiên đối với người tiêu dùng trên thị trường.

Với đối tượng đoàn khách học sinh, các em được thầy cô cho tham quan kết hợp trong các buổi hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Khách là phụ nữ và các bạn trẻ thì sẽ chuộng các nhà vườn có cây lâu năm, có tán lớn để trải nghiệm việc hái quả hoặc chụp ảnh check-in. Theo các chủ vườn, du khách không chỉ đến thưởng thức vị thơm ngon của cây trái mà còn thưởng ngoạn cảnh đẹp, tìm hiểu về con người, văn hóa của vùng đất biên giới Ia Grai.

Một mùa chôm chôm chín ngọt nữa lại về. Hy vọng rằng, Ia Tô sẽ trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn, độc đáo thu hút nhiều du khách.

Có thể bạn quan tâm