Ia Yeng gặp khó trong giữ gìn vệ sinh môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau một thời gian ngắn phát động, với sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, phong trào di dời chuồng trại nuôi nhốt gia súc ra khỏi gầm nhà sàn và làm nhà tiêu hợp vệ sinh đã được nhiều hộ dân tộc thiểu số tại xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện, GIa Lai) hưởng ứng tích cực. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn nên một số hộ dân chưa thể thực hiện việc này, gây ảnh hưởng đến việc hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Cán bộ, đảng viên làm trước
Sau khi bàn bạc với gia đình, ông Siu Yan-Bí thư chi bộ làng Kual đã quyết định xây dựng nhà vệ sinh tự hoại với kinh phí 12 triệu đồng, tách biệt với nơi ở. Ông chia sẻ: Trước đây, do tập quán của bà con đi vệ sinh bừa bãi nên xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sau khi được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, với tư cách là Bí thư chi bộ, ông đã tiên phong đi đầu thực hiện để bà con làm theo. “Môi trường nhờ đó được cải thiện, thoáng mát, sạch sẽ hơn, đặc biệt không còn mùi hôi như trước nữa”-Bí thư chi bộ làng Kual cho biết.
Gia đình ông Rmah Ngheo-Bí thư chi bộ thôn Kte Lớn A cũng mới làm xong nhà vệ sinh tự hoại với kinh phí hơn 10 triệu đồng. Ông cho hay: “Mình làm nhà vệ sinh như vậy thấy rất tiện. Môi trường trong làng đã sạch sẽ, vệ sinh hơn. Kte Lớn A được huyện chọn xây dựng làng nông thôn mới trong năm 2019. Sau 1 tháng phát động, trong làng đã có thêm gần 30 hộ xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Đến nay, hơn 70/200 hộ trong thôn đã có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh”.
Cán bộ xã Ia Yeng kiểm tra việc di dời chuồng trại chăn nuôi của gia đình chị Siu H'Nhang ở thôn Kte Lớn A.
Cán bộ xã Ia Yeng kiểm tra việc di dời chuồng trại chăn nuôi của gia đình chị Siu H'Nhang ở thôn Kte Lớn A. Ảnh: Trần Đức
Với đặc thù của xã vùng III có gần 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn nên việc làm nhà vệ sinh được xã Ia Yeng linh hoạt triển khai. Ngoài việc vận động người dân đóng góp ngày công giúp nhau thực hiện thì tùy vào điều kiện kinh tế mỗi hộ mà nhà vệ sinh được xây dựng với giá trị khác nhau nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Ông Dương Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Yeng-cho biết: Sau hơn 1 tháng triển khai, hơn 100 hộ đã làm nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Xã yêu cầu trong tháng 6-2019, 100% cán bộ, đảng viên phải có nhà tiêu hợp vệ sinh. Mục tiêu của xã là trong năm 2019 phấn đấu đạt gần 50% số hộ trên địa bàn có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Khó khăn di dời chuồng trại nhốt gia súc 
Có một thực tế đã tồn tại suốt nhiều năm qua ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số của xã Ia Yeng là người dân còn làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc ở ngay phía dưới nhà sàn. Tập quán này khiến môi trường sống của người dân bị ô nhiễm nặng nề. “Ai cũng biết ở thế là không nên, nhưng muốn di dời chuồng trại ra xa nơi ở lại là điều không dễ thực hiện”-Bí thư chi bộ thôn Kte Lớn A nói. Ông cho biết thêm, gia đình cũng muốn di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn nhưng do không có tiền nên cứ nhốt tạm vậy thôi. Còn ông Kpăh Uih-Trưởng thôn Kual B-cho rằng: “Người dân vốn quen làm chuồng trại gia súc bằng gỗ. Giờ Nhà nước đóng cửa rừng, lấy gỗ không được, bà con gặp nhiều khó khăn nên cứ nhốt tạm heo, bò dưới nhà sàn vậy”. Ngoài lý do điều kiện kinh tế khó khăn, các hộ không đủ gỗ thì nguyên nhân thiếu quỹ đất để xây dựng cũng là lực cản khiến cho việc di dời chuồng trại gia súc ở xã Ia Yeng chưa đạt được kết quả như mong đợi. 
Để hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, vừa qua, Đảng ủy xã Ia Yeng đã ra nghị quyết về vận động nhân dân di dời chuồng trại nhốt gia súc ra khỏi gầm nhà sàn và làm nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Tiếp đó, UBND xã ban hành kế hoạch, phân công cụ thể cho tất cả cán bộ, công chức xã trực tiếp xuống các thôn, làng vận động người dân. Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cán bộ chuyên trách được phân công vận động 6 hộ gia đình, công chức vận động 5 hộ, cán bộ không chuyên trách vận động 3 hộ. Đối với những hộ nghèo, gia đình khó khăn về nhân công thì xã phân công các ngành, đoàn thể, cán bộ xã xuống giúp di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn để đảm bảo hợp vệ sinh”.   
Xã Ia Yeng hiện có 367/1.160 hộ dân thuộc diện nghèo. Đến thời điểm này, mới chỉ có khoảng 20% số hộ dân di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn và hơn 15% số hộ làm được nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Xã đang tạo điều kiện và vận động các hộ dân mạnh dạn vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường của Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư di dời chuồng trại nhốt gia súc và làm nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2020.
 TRẦN ĐỨC

Có thể bạn quan tâm