Kinh tế

Nông nghiệp

Kbang: Cánh đồng mía lớn mang lại thu nhập ổn định

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Kbang là một trong những địa phương có diện tích mía lớn nhất tỉnh Gia Lai. Những năm qua, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng cánh đồng mía lớn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.
Đổi mới tư duy sản xuất
Ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Hiện nay, toàn huyện có trên 10.000 ha mía, tập trung tại các xã: Đak Hlơ, Kông Pla, Kông Lơng Khơng, Tơ Tung, Nghĩa An, Lơ Ku và xã Đông. Niên vụ 2016-2017, huyện đã chủ trương xây dựng 8 cánh đồng mía lớn tại 6 xã với tổng diện tích trên 305 ha gồm 240 hộ tham gia (trong đó có 208 hộ người Bahnar). Để xây dựng cánh đồng lớn, UBND huyện đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã tuyên truyền, vận động người trồng mía thay đổi tư duy, tập quán canh tác cũ. Bên cạnh đó, huyện đã xuất ngân sách hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân tham gia cánh đồng mía lớn.
 Thu hoạch mía bằng máy giúp đẩy nhanh tiến độ, giảm chi phí vận chuyển. Ảnh: đức thụy
Thu hoạch mía bằng máy giúp đẩy nhanh tiến độ, giảm chi phí vận chuyển. Ảnh: Đức Thụy
Ngoài ra, Nhà máy Đường An Khê cũng đã có chính sách đầu tư, định mức hỗ trợ riêng đối với diện tích mía trồng theo cánh đồng lớn; tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng thâm canh mía nguyên liệu; đưa các giống mía chủ lực vào thực hiện cánh đồng lớn... Nhờ được cơ giới hóa các khâu làm đất, trồng và thực hiện chăm sóc đúng quy trình nên hầu hết diện tích mía cánh đồng lớn đều sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao. Theo tổng hợp của Nhà máy Đường An Khê, năng suất bình quân các cánh đồng lớn niên vụ 2016-2017 (đối với mía tơ) đạt 80,8 tấn/ha, lợi nhuận bình quân đạt hơn 11,3 triệu đồng/ha.
Là một trong những hộ tham gia cánh đồng mía lớn ở làng Bróch (xã Đông), ông Vương Văn Đoàn cho biết: Làng có 31 hộ (25 hộ người Bahnar) tham gia cánh đồng mía lớn với diện tích 35,35 ha. Khi bắt đầu vận động tham gia cánh đồng lớn, hầu hết các hộ người Bahnar còn e ngại. Tuy nhiên, sau nhiều lần vận động, giải thích, hướng dẫn, đồng thời được hỗ trợ một phần kinh phí, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi thì người dân đã hiểu và thống nhất tham gia xây dựng cánh đồng lớn. “Năng suất mía trồng theo cánh đồng lớn của làng Bróch niên vụ 2016-2017 bình quân đạt trên 70 tấn/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà 20-25 tấn/ha; lợi nhuận bình quân đạt khoảng 8 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà 2-3 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, Nhà máy Đường An Khê đưa cơ giới vào thu hoạch mía nên tiến độ nhanh hơn chặt thủ công, giảm chi phí vận chuyển, từ đó người dân tăng thêm thu nhập”-ông Đoàn cho biết thêm.
Mở rộng mô hình cánh đồng mía lớn
mía vẫn được coi là cây trồng chủ lực của huyện Kbang
Mía được coi là cây trồng chủ lực của huyện Kbang trong những năm tới. Ảnh: Ngọc Sang
Hiện nay, sản xuất mía đường trong nước nói chung và trên địa bàn huyện Kbang nói riêng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, lợi nhuận còn thấp so với nhiều loại cây trồng khác. Song mía vẫn được coi là cây trồng chủ lực của huyện Kbang trong những năm tới vì thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, chịu hạn tốt.
Ông Phạm Xuân Trường-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: Để khuyến khích các hộ dân tham gia cánh đồng mía lớn, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp như: tuyên truyền cho người dân về mục đích, ý nghĩa và lợi ích khi tham gia thực hiện cánh đồng lớn; vận động các hộ dân trồng mía đủ điều kiện chủ động tham gia thực hiện. Bên cạnh đó, UBND huyện tổ chức rà soát diện tích đất trồng mía có năng suất dưới 70 tấn/ha để chuyển đổi sang cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, từ đó giảm diện tích sản xuất mía nguyên liệu trên địa bàn huyện xuống còn khoảng 8.000-8.500 ha. Huyện cũng thành lập tổ công tác rà soát, xác định cụ thể những diện tích trồng mía có năng suất đạt trên 70 tấn, chọn những địa hình phù hợp để cơ giới hóa đồng bộ, qua đó lập kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn cụ thể làm cơ sở triển khai thực hiện; chỉ đạo UBND các xã chủ động khảo sát, đề xuất diện tích dự kiến xây dựng cánh đồng mía lớn để đưa vào kế hoạch chung của huyện. Mỗi xã thực hiện 1-2 cánh đồng lớn trong niên vụ 2018-2019.
Về phía Nhà máy Đường An Khê, huyện đề nghị cần phối hợp chặt chẽ với địa phương khảo sát, thống nhất quy hoạch diện tích vùng nguyên liệu mía tại từng xã, từng cánh đồng; qua đó, hàng năm lập kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn huyện đảm bảo khả thi, có hiệu quả. Ngoài ra, Nhà máy cần có giải pháp hạ giá thành đầu tư sản xuất mía theo cánh đồng lớn, đặc biệt là các khâu cơ giới hóa, góp phần tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích và thu nhập của người trồng mía; cam kết bằng văn bản về ưu tiên thu hoạch kịp thời đối với mía nguyên liệu tại các cánh đồng lớn để các hộ dân có điều kiện chăm sóc mía gốc, nâng cao năng suất và chất lượng mía nguyên liệu; sớm có giải pháp khắc phục những bất cập về xác định chữ đường trong thu mua mía nguyên liệu nhằm đảm bảo sự công bằng, tạo sự tin tưởng cho người trồng mía, qua đó gắn kết chặt chẽ hơn nữa với nhà máy.
“Để nâng cao hiệu quả sản xuất mía, thời gian tới, huyện Kbang tập trung thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ mía nguyên liệu, gắn với xây dựng cánh đồng mía lớn, phấn đấu đến năm 2020 diện tích cánh đồng lớn sản xuất mía trên địa bàn huyện đạt 2.000 ha”-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang thông tin.
Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm