Kinh tế

Nông nghiệp

Kbang: Nguy cơ thất thu mía vì sâu bệnh và nắng hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều nông dân huyện Kbang lại đứng trước nguy cơ thất thu khi sâu đục thân, xén tóc, bệnh than cùng lúc hoành hành trên hàng ngàn héc ta mía. Bên cạnh đó, cây mía cũng chậm phát triển do nắng hạn kéo dài.

 

Sâu bệnh hoành hành

Tính đến nay, toàn huyện Kbang có 772 ha mía bị xén tóc, sâu đục thân gây hại và 952 ha mía bị nhiễm bệnh than. Diện tích mía bị sâu bệnh hại tập trung tại các xã: Đak Hlơ, Kông Pla, Tơ Tung, Kông Lơng Khơng…

Ông Đinh Văn Lum-Phó Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng-cho hay: Mía là một trong những cây trồng chủ lực của xã. Niên vụ này, toàn xã có 2.355 ha mía đang trong giai đoạn sinh trưởng, đẻ nhánh. Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, trên địa bàn không có mưa, cộng với nhiệt độ cao đã tạo điều kiện cho một số loại sâu bệnh sinh sôi phát triển. Qua kiểm tra, toàn xã có khoảng 330 ha mía bị xén tóc, sâu đục thân gây hại; trên 50 ha mía bị nhiễm bệnh than.

2ông Đinh Văn Quăr (làng Bờ-Chư Pâu, xã Kông Lơng Khơng,huyện Kbang) kiểm tra sâu bệnh cùng cán bộ nông nghiệp xã-Ảnh Ngọc Minh
Ông Đinh Văn Quăr (làng Bờ-Chư Pâu, xã Kông Lơng Khơng,huyện Kbang) kiểm tra sâu bệnh cùng cán bộ nông nghiệp xã. Ảnh: Ngọc Minh


Ông Đinh Văn Quăr (làng Bờ-Chư Pâu, xã Kông Lơng Khơng) có 3 ha mía thì một nửa đã bị nhiễm bệnh than và bị sâu đục thân gây hại. Ông cho biết: “Tôi trồng mía mấy chục năm nhưng chưa bao giờ thấy khó khăn như năm nay. Cây mía ở khu vực gò đồi bị chết do khô hạn; phần diện tích mía lên được thì bị đủ loại sâu bệnh hại. Năm trước, gia đình tôi thu gần 40 triệu đồng/3 ha. Năm nay, sâu hại chết những cây chính, chỉ còn những nhánh nhỏ mà lại khô hạn thế này thì chắc thất thu”.

Tương tự, bà Phạm Thị My (thôn 2, xã Đak Hlơ) có 3/5 ha mía bị sâu đục thân, xén tóc gây hại. Bà chia sẻ: “Năm trước, loại sâu này cũng có nhưng mật độ không dày. Còn năm nay, hầu như bụi mía nào cũng thấy xuất hiện sâu. Cây mía bị nhiễm sâu bệnh là chết khô”.

Bà Trần Thị Mai-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang-cho rằng, chu kỳ vòng đời của sâu đục thân, xén tóc khoảng 30 ngày. Qua chu kỳ này và mưa xuống thì mía sẽ hết sâu bệnh. Tuy nhiên, thời điểm này, sâu bệnh đang gây hại trên những mầm mía chính nên ảnh hưởng tới năng suất, ước thiệt hại khoảng 20% năng suất. Nếu tiếp tục nắng nóng kéo dài thì thiệt hại còn tăng hơn nhiều.

Mía kém phát triển do nắng hạn

Bên cạnh sâu bệnh gây hại, nắng nóng kéo dài cũng làm cho nhiều diện tích mía ở huyện Kbang kém phát triển, thậm chí không lên nổi. Chỉ tay vào đám đất khô trắng, ông Lương Duy Tặng (thôn 2, xã Kông Pla) xót xa nói: “Gia đình tôi đầu tư gần 125 triệu đồng để trồng mới 4,7 ha mía. Nắng hạn kéo dài khiến hơn 4 ha mía không mọc nổi, chỉ mấy sào ở khu vực gần ao có nước tưới là đâm chồi, đẻ nhánh. Tuy nhiên, nước trong ao đang cạn dần, chỉ đủ tưới trong vòng 1 tuần nữa”.

 Ruộng mía trồng mới của gia đình ông Lương Duy Tặng (xã Kông Pla, huyện Kbang) không lên nổi do nắng hạn kéo dài. Ảnh: N.M
Ruộng mía trồng mới của gia đình ông Lương Duy Tặng (xã Kông Pla, huyện Kbang) không lên nổi do nắng hạn kéo dài. Ảnh: N.M



Ông Đinh Bát-Chủ tịch UBND xã Kông Pla-cho hay: Nắng nóng kéo dài nên hầu hết ao hồ tại xã đã cạn, không còn khả năng cung cấp nước tưới cho cây trồng. Hiện có trên 20 ha đất bà con đã cày ải nhưng vì thiếu nước nên chưa thể gieo trồng. Nắng hạn cũng làm cho gần 176/251,4 ha mía trồng mới của xã không thể mọc nổi.

Theo ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, toàn huyện có 8.796 ha mía, trong đó có 817,4 ha trồng mới và hơn 7.978 ha mía lưu gốc. Niên vụ trước, Kbang có khoảng 6.000 ha mía giảm năng suất do hạn hán. Huyện đã đề nghị tỉnh hỗ trợ 8,7 tỷ đồng. Hiện nay, huyện đã nắm được diện tích mía bị sâu bệnh gây hại, còn diện tích bị ảnh hưởng bởi hạn hán thì đang rà soát.

“Từ cuối năm 2019 đến nay, lượng mưa trên địa bàn huyện rất thấp, không làm tăng lưu lượng dòng chảy hoặc nâng lượng nước tích trữ trong các công trình thủy lợi. Mực nước ở các công trình đập dâng thấp hơn 20-30 cm so với các năm, trong khi nước hồ chứa chỉ còn 30-40% so với dung tích thiết kế. Người dân đã nạo vét ao hồ, đào giếng lấy nước tưới cho cây trồng nhưng chỉ được một số diện tích và không biết kéo dài được bao lâu. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng thì diện tích mía bị chết do khô hạn và sâu bệnh còn tăng”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin thêm.

 

 NGỌC MINH



 

Có thể bạn quan tâm