Kbang: Quan tâm cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kbang (Gia Lai) là một trong những địa phương có nhiều người nghiện ma túy. Nhờ quyết liệt đấu tranh với tội phạm ma túy, đồng thời quản lý tốt công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng nên tỷ lệ người tái nghiện không nhiều.
Hiệu quả từ tổ công tác cai nghiện ma túy  
Tính đến tháng 3-2019, huyện Kbang có gần 200 đối tượng liên quan đến ma túy. Trong đó, các xã: Sơ Pai, Tơ Tung, Lơ Ku và thị trấn Kbang là địa bàn trọng điểm có nhiều người nghiện ma túy.
Năm 2016, xã Sơ Pai được chọn triển khai điểm tổ công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Tổ công tác có 11 thành viên là cán bộ xã và 4 trưởng thôn trọng điểm về ma túy do Phó Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng. Cùng với đó, xã huy động các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc. Sau 4 năm triển khai quyết liệt, đến thời điểm này, trên địa bàn xã còn 10 người nghiện trong diện quản lý, giám sát. Qua theo dõi, 10 người này chưa có biểu hiện tái nghiện.
 Thành viên các tổ công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng trao đổi kinh nghiệm. Ảnh: Đ.Y
Thành viên các tổ công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng trao đổi kinh nghiệm. Ảnh: Đ.Y
Đánh giá về kết quả công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng thời gian qua, ông Lê Viết Cường-Trưởng Công an xã Sơ Pai-cho rằng, quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, thường xuyên gần gũi tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, tìm hướng đi tích cực cho người nghiện. Tại 4 thôn trọng điểm về ma túy, Tổ công tác thường xuyên bám nắm địa bàn, tuyên truyền, vận động gia đình người nghiện. Đối với những người đoạn tuyệt với ma túy, địa phương đã quan tâm, giúp đỡ khi họ có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế hay thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà khích lệ. “Theo quy định, thời gian cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng là 6 tháng. Đối với các trường hợp gần hết thời gian cai nghiện, Tổ công tác sẽ đề nghị lực lượng Công an tiến hành test thử, nếu kết quả âm tính mới cấp giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện tại gia đình và cộng đồng”-ông Cường chia sẻ.
Thôn 2 (xã Lơ Ku) trước đây cũng là địa bàn trọng điểm về ma túy. Ông Lý Văn Hiếu-Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng thôn-thông tin: “3 năm trước, thôn có 5 người nghiện mua túy, thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau. Là thành viên Tổ công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, tôi đã nắm tình hình, xác định rõ từng người nghiện, thường xuyên đến nhà động viên họ cai nghiện. Đến nay, 5 người này không còn sử dụng ma túy. Họ chịu khó lao động để làm lại cuộc đời”.
Bà Hoàng Thị Hà-chuyên viên Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Kbang, phụ trách công tác phòng-chống tệ nạn xã hội-cho biết: Huyện Kbang đã thành lập được 4 tổ công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở các xã, thị trấn trọng điểm. Tuy mới triển khai nhưng các tổ công tác ở xã Sơ Pai, Lơ Ku đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở cơ sở tham gia, giúp đỡ người cai nghiện, đồng thời tạo bước chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong nhân dân về cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy. Đây là mô hình hiệu quả, kết hợp giữa gia đình, chính quyền và các tổ chức xã hội, đoàn thể trong việc quản lý, hỗ trợ người nghiện. Các hoạt động của tổ công tác khá phong phú, đa dạng từ tiếp cận tới lập hồ sơ đăng ký cai nghiện, tư vấn, tạo việc làm và kết nối các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu người cai nghiện ma túy.
Vẫn còn khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở huyện Kbang hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Minh chứng là tỷ lệ người tham gia cai nghiện theo hình thức này hiện chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số gần 200 người nghiện trên địa bàn. 
Lý giải về điều này, theo bà Hoàng Thị Hà, bản thân người nghiện và gia đình còn chưa tự giác đăng ký cai nghiện vì mặc cảm với cộng đồng. Bên cạnh đó, đội ngũ y-bác sĩ cấp xã chưa đảm bảo nghiệp vụ về điều trị cai nghiện ma túy; năng lực tổ công tác cai nghiện ma túy cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; kinh phí hỗ trợ theo Thông tư Liên tịch số 148/2014/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 8-10-2014 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội còn khó triển khai tại cơ sở. Ngoài ra, công tác cảm hóa người sau cai nghiện trở về địa phương thiếu sự quan tâm của toàn xã hội; một số thôn, xã có người nghiện chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong công tác tham mưu, giúp đỡ để người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. 
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, bà Rcom Sa Duyên-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: “Trước mắt, chính quyền địa phương cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá, quan tâm hỗ trợ vật chất, kinh phí cho công tác này. Đồng thời, phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể và người dân tại nơi cư trú trong việc vận động người nghiện và gia đình chủ động khai báo và đăng ký các hình thức cai nghiện phù hợp. Sở cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đầu tư cơ sở vật chất tại trạm y tế xã theo từng cụm để có thêm điều kiện thực hiện công tác cai nghiện; làm tốt công tác tư vấn, đào tạo nghề và hỗ trợ, giúp người sau cai nghiện để chống tái nghiện”.
 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm