Kinh tế

Nông nghiệp

Kbang: Trồng xen mắc ca trong vườn cà phê cho thu nhập cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đầu tư trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê. Mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

Nhằm phát triển diện tích cây mắc ca trên địa bàn, trong 5 năm (2018-2023), huyện Kbang xuất ngân sách hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ một phần kinh phí mua cây giống cấp cho hàng trăm lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ dân tộc thiểu số. Đến cuối năm 2023, toàn huyện có hơn 2.824 ha mắc ca, trong đó có 208,8 ha trồng thuần, hơn 2.615 ha xen canh, tập trung ở xã Đông, Nghĩa An, Tơ Tung, Kông Lơng Khơng, Lơ Ku, Sơn Lang, Krong, Đak Rong, Kon Pne, Sơ Pai, Đăk Smar và thị trấn Kbang.

Đến cuối năm 2023, toàn huyện Kbang trồng xen mắc ca hơn 2.615 ha. Ảnh: Ngọc Minh

Đến cuối năm 2023, toàn huyện Kbang trồng xen mắc ca hơn 2.615 ha. Ảnh: Ngọc Minh

Hộ anh Đinh Lan (làng Groi, thị trấn Kbang) có 2 ha đất trồng mì, bắp và hoa màu. Năm 2018, gia đình chuyển đổi 1 ha mì sang trồng cà phê. Được Công ty cổ phần Mắc ca Liên Việt Tây Nguyên hỗ trợ 100 cây giống mắc ca và phân bón, anh Lan đem trồng xen vào rẫy cà phê. Trước khi xuống giống, anh Lan và các hộ dân trong làng được Công ty phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tập huấn, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thu hoạch, bảo quản cà phê, mắc ca.

“Tôi vận dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc nên vườn cây phát triển tốt. Đến năm 2022, cây mắc ca và cà phê cùng cho thu hoạch. Năm 2023, cà phê mất mùa nhưng được giá, còn mắc ca giá giảm nhưng lại được mùa. Nhờ vậy, gia đình có thu nhập hơn 150 triệu đồng/ha/năm sau khi trừ chi phí. Từ năm thứ 4 trở đi, cà phê và mắc ca mới cho năng suất ổn định, khi đó thu nhập sẽ cao hơn”-anh Lan cho biết.

Từ năm 2014 đến 2017, ông Đỗ Thanh Sơn (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang) đã trồng xen 500 cây mắc ca trong vườn cà phê 3 ha. “Năm 2023, với 500 cây mắc ca, tôi thu được 4 tấn hạt. Bán với giá 80-90 ngàn đồng/kg, tôi thu về hơn 300 triệu đồng. Còn cà phê thì mất mùa, năng suất giảm 50% so với năm 2022. Nhưng bù lại, cà phê được giá nên gia đình vẫn đạt doanh thu hơn 400 triệu đồng. Tổng thu nhập của 2 loại cây trồng được hơn 500 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí”-ông Sơn phấn khởi nói.

Là Chủ nhiệm Nông hội trồng cà phê xen mắc ca của xã Sơn Lang, ông Thiều Viết Đoàn cho hay: Ra mắt vào tháng 7-2023, Nông hội hiện có 46 thành viên canh tác 60 ha cà phê xen mắc ca ở 9 thôn, làng. Khi tham gia Nông hội, các thành viên có nhiều cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, phương thức canh tác hiệu quả. “Trên địa bàn xã có hơn 528 ha cà phê trồng xen mắc ca. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân tham gia Nông hội; vận động, hướng dẫn thành viên sản xuất theo hướng VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu cà phê, mắc ca Sơn Lang. Nông hội cũng có kế hoạch liên kết với một số đại lý, cơ sở thu mua mắc ca, cà phê trong huyện nhằm tìm đầu ra ổn định để các thành viên yên tâm đầu tư sản xuất”-ông Đoàn chia sẻ.

Tại xã Sơ Pai, đến nay, người dân đã trồng được 639 ha mắc ca, trong đó, trồng thuần 40 ha và trồng xen trong vườn cây ăn quả, rẫy cà phê 599 ha. Hiện 158 ha mắc ca đã cho thu hoạch. Chủ tịch UBND xã Võ Thanh cho biết: Qua theo dõi cho thấy, cây mắc ca hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, ít sâu bệnh. Bên cạnh đó, người dân được tập huấn kiến thức, kỹ năng sản xuất và chịu khó đầu tư chăm sóc cây mắc ca trồng xen nên năng suất đạt 30-40 kg quả tươi/cây/năm. Mô hình trồng cà phê xen mắc ca giúp hộ dân có thêm thu nhập 30-40 triệu đồng/ha/năm.

Các thành viên Nông hội trồng cà phê xen mắc ca xã Sơn Lang (huyện Kbang) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Ảnh: N.M

Các thành viên Nông hội trồng cà phê xen mắc ca xã Sơn Lang (huyện Kbang) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Ảnh: N.M

Theo ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Cây cà phê được người dân canh tác đã lâu, còn cây mắc ca thì mới bắt đầu trồng từ năm 2010. Nhiều năm nay, 2 loại cây trồng này cho thu nhập ổn định. Nhằm hạn chế rủi ro do thời tiết ảnh hưởng đến năng suất và giá cả thị trường, huyện khuyến khích người dân xen canh 2 loại cây trồng trong suốt chu kỳ. Trong điều kiện thời tiết tại địa phương quá lạnh sẽ ảnh hưởng đến việc ra hoa đậu quả của cây cà phê, nhưng lại là điều kiện lý tưởng để cây mắc ca ra nhiều quả. Như vậy, 2 cây trồng bổ trợ lẫn nhau, giúp bà con nông dân giảm bớt rủi ro. Ngoài ra, trồng xen mắc ca có tác dụng che bóng, chắn gió để cây cà phê phát triển.

“Người dân chỉ nên trồng xen 124 cây mắc ca/ha, bằng 1/10 số cây cà phê và nên chọn mua cây giống ở những cơ sở có uy tín, địa chỉ rõ ràng. Quá trình trồng trọt, chăm sóc phải đúng quy trình kỹ thuật để cây sinh trưởng phát triển tốt; ưu tiên sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê”-ông Tình thông tin.

Có thể bạn quan tâm