(GLO)- Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh vừa tuyên phạt sơ thẩm (lần II) 19 năm tù (tăng 4 năm so với án sơ thẩm lần I) đối với bị cáo Lê Thị Tường Vân (35 tuổi, trú phường Yên Đổ, TP. Pleiku) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hội đồng xét xử còn tuyên buộc bị cáo phải trả khoản nợ 14,28 tỷ đồng cho các bị hại; tuyên hủy hợp đồng cho tặng hai căn nhà ở phường Yên Đổ là 103 Phan Đình Phùng và 104/01 Tăng Bạt Hổ, phong tỏa căn nhà số 335C Phan Đình Phùng (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) để bảo đảm thi hành án.
Vào năm 2008, Vân đã nhiều lần vay tiền của chị Nguyễn Thị Phượng Tường (44 tuổi, trú Nguyễn Trãi, phường Yên Đổ), Huỳnh Thị Thúy Vân (46 tuổi, trú Trần Hưng Đạo, phường Hội Thương, TP. Pleiku), Hồ Thị Xuân Dung (37 tuổi, trú Nguyễn Văn Trỗi, phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Sau mỗi lần vay, Vân đã thanh toán dứt điểm tiền cả gốc lẫn lãi theo đúng cam kết ghi trong giấy mượn tiền.
Bị cáo Tường Vân trước vành móng ngựa tại phiên tòa sơ thẩm lần II. Ảnh: N.L |
Lợi dụng vào sự quen biết, uy tín trong các lần vay với các bị hại và danh nghĩa hoạt động kinh doanh của Công ty Tuấn Tài (do chồng Vân là Mai Anh Tuấn làm Giám đốc), Vân nảy sinh ý định lừa đảo. Từ ngày 2-11-2009 đến 4-11-2009, Vân nại ra lý do cần huy động vốn để nhập lô hàng xe ô tô về cho Công ty Tuấn Tài bán Tết, cần tiền mua lô hàng khoảng 20 xe, hẹn vay trong vòng 4 ngày sẽ trả.
Vì quá tin lời nói của Vân, các bị hại đã gom tiền đưa cho nữ bị cáo này vay tổng cộng hơn 15,25 tỷ đồng. Trước khi nhận tiền, Vân đã chuyển dịch toàn bộ tài sản do mình đứng tên sở hữu cho người thân trong gia đình bằng cách làm hợp đồng cho tặng và bán rẻ. Đến ngày 9-11-2009 (thời hạn trả nợ như cam kết), Vân chẳng những không trả tiền cho các bị hại mà còn tiếp tục lừa dối rằng chưa lấy được tiền về. Trước sức ép đòi nợ liên tục của các bị hại, Vân chỉ trả được 970 triệu đồng để đối phó. Đến khi các bị hại “đòi sống đòi chết” thì gia đình Vân đã ra điều kiện hết sức vô lý là không báo Công an thì sẽ trả khoảng 1/10 số nợ.
Tại phiên tòa, hai luật sư bào chữa cho bị cáo là Nguyễn Danh Hưng và Trần Quang Nhựt cho rằng: Các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh đã “hình sự hóa quan hệ dân sự” và Vân không phạm tội lừa đảo. Nếu kết tội Vân thì phải kết tội Mai Anh Tuấn vì từ đầu chí cuối người này đã cùng Vân thực hiện tất cả các hành vi.
Trong khi đó, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố cho rằng, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ và những lời khai của các bên tại phiên tòa thì đã đủ cơ sở khẳng định, bị cáo có thủ đoạn gian dối ngay từ đầu nhằm chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Việc Mai Anh Tuấn không bị truy tố bởi việc hỏi vay tiền, ký nhận nợ, chuyển dịch tài sản đều do một mình Vân thực hiện…
Các luật sư Trần Hải Đức, Nguyễn Minh Tường (đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) thì cho rằng: Lê Thị Tường Vân có hành vi dùng thủ đoạn gian dối khi mượn tiền bởi lúc thì nói sử dụng để nhập ô tô, khi thì nói cho Nguyễn Thị Thùy Dương vay lại để hưởng chênh lệch. Nhưng thực tế số tiền vay Vân không sử dụng để nhập ôtô và cũng không cho bà Thùy Dương vay lại.
Mặt khác, giao dịch giữa bị cáo và bà Thùy Dương đã chấm dứt từ ngày 8-10-2009. Ngoài ra, bị cáo Vân còn chuyển dịch 2 căn nhà thuộc sở hữu của mình cho cha mẹ ruột là ông Lê Viết Thôi và bà Nguyễn Thị Kim Sơn sau đó tuyên bố vỡ nợ.
Ngọc Linh