Thời sự - Sự kiện

Khai mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-

Sáng 5-12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI đã khai mạc Hội nghị lần thứ 14 (mở rộng) nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2023, quyết định nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2024 và giải quyết một số công việc thuộc thẩm quyền.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo cơ quan chuyên trách, giúp việc của Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên, đại diện các cơ quan chuyên trách, giúp việc Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Trong thời gian 1 ngày, hội nghị sẽ tập trung thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2023; bàn, xác định chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2024 và cho ý kiến giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền. Nội dung trình hội nghị lần này là những vấn đề quan trọng, quyết định đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trong năm 2024-năm then chốt quyết định kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cho rằng: Trong bối cảnh, điều kiện còn nhiều khó khăn, song với sự vào cuộc, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, việc thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp (theo Kết luận và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh), Gia Lai cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội tăng so với cùng kỳ năm 2022 như giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản; diện tích gieo trồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu... Hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch khởi sắc; nổi bật như đã tổ chức các sự kiện trong Tuần văn hóa-Du lịch và Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2023, được du khách đánh giá tích cực. Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hoàn thành tốt diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự cấp tỉnh, cấp huyện.

Công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp tiếp tục được quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện tốt. Công tác đối ngoại được thực hiện theo kế hoạch đề ra. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong năm 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cần rút kinh nghiệm cả trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện. Trong 24 chỉ tiêu, có 7 chỉ tiêu chính và 2 chỉ tiêu thành phần không đạt Nghị quyết đề ra. Đáng lưu ý, tốc độ tăng trưởng GRDP rất thấp, đạt 3,02%, đứng cuối khu vực Tây Nguyên; thu ngân sách chưa đạt kế hoạch (đạt 88,5% so với Nghị quyết, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2022); giải ngân vốn đầu tư công rất thấp (Gia Lai nằm trong 5 tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp nhất của cả nước); công tác trồng rừng không đạt kế hoạch; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân tiếp tục gặp khó khăn...

Công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh còn hạn chế; các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI, PAR Index, PAPI...) đều giảm sút. Việc triển khai các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về: Chuyển đổi số; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư; phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững còn chậm so với kế hoạch.

Tình hình an ninh trên một số lĩnh vực còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Một số loại tội phạm diễn biến phức tạp hơn, nhất là tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Công tác tham mưu triển khai thực hiện một số nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về công tác tổ chức xây dựng Đảng có lúc, có việc còn chậm. Chất lượng sinh hoạt chi bộ của một số thôn, làng, tổ dân phố còn hạn chế. Công tác bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên ở các tổ dân phố, thôn, làng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kết nạp đảng viên là người theo tôn giáo còn khó khăn.

Vẫn còn một số đơn vị, địa phương thực hiện chưa nghiêm một số nội dung trong thông báo kết luận kiểm tra, giám sát nên việc khắc phục các hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra qua kiểm tra, giám sát vẫn chưa triệt để. Việc thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh ở một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh: “Tôi đề nghị các đồng chí phát huy tinh thần trách nhiệm, bám sát nội dung dự thảo Báo cáo của Tỉnh ủy và soi rọi với tình hình thực tiễn ở cấp ủy, địa phương, đơn vị để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện hơn tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong năm 2023. Trên cơ sở tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan dự kiến các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2024, đề nghị các đồng chí nghiên cứu, thảo luận kỹ, nhất là đối với các chỉ tiêu trọng tâm. Đồng thời, đề xuất bổ sung các giải pháp để Nghị quyết thực sự thiết thực, phù hợp với điều kiện, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Đây cũng là căn cứ, cơ sở để HĐND tỉnh thảo luận trong kỳ họp sắp đến…”.

Có thể bạn quan tâm