Vài năm trở lại đây, vấn nạn khai thác trái phép các loại khoáng sản đang diễn ra ở nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn chưa có dấu hiệu 'hạ nhiệt'.
Khu vực ở huyện Krông Nô đã hết phép nhưng doanh nghiệp vẫn cố tình khai thác cát |
Khai thác trái phép tràn lan
Điển hình, tại thôn Đắk Tân (xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa) có một mỏ đá Ba Zan dạng trụ, cột (đá cây) chưa được cấp phép nhưng đã bị một số đối tượng dùng máy mọc cỡ lớn vào đào, múc hơn 500m3 đá. Điều đáng chú ý, khu vực này cách Trung tâm xã Đắk Nia chưa đầy 3km. Thế nhưng, các đối tượng vẫn ngang nhiên khai thác trong một thời gian khá dài mới bị phát hiện.
Không chỉ khai thác trái phép ở những khu vực chưa được cấp phép, tại thôn 10A, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, xảy ra tình trạng lợi dụng giấy phép đá xây dựng để khai thác vận chuyện trái luật hàng nghìn m3 đá cây. Cụ thể, khu vực này có quy hoạch 17ha nhưng UBND tỉnh Đắk Nông chỉ cấp phép khai thác đá xây dựng cho Công ty TNHH Xây dựng Nam Thắng 10,5 ha. Thế nhưng, trong thời gian hoạt động, đơn vị đã để các đối tượng khác vào khai thác đá cây trái phép trên phạm vi mình quản lý. Qua tìm hiểu, khu vực này bị khai thác cả năm nay nhưng mới bị cơ quan chức năng lập biển bản xử lý sau khi có phản ánh của báo chí.
Thời gian qua, trên sông Krông Nô (huyện Krông Nô), nhiều tổ chức và cá nhân đã tập trung khai thác cát với quy mô lớn. Trước thực trạng đó, chính quyền và người dân đã kiến nghị nhiều lần với cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa dứt điểm.
Ngoài khoáng sản đá, cát bị khai thác trái phép, thời gian qua, những khoáng sản quý hiếm khác như than bùn, quặng thiếc… lần lượt bị đào bới, mua bán bất hợp pháp. Cụ thể, vào cuối tháng 4/2019, UBND tỉnh Đắk Nông đã xử phạt một công ty ở huyện Đắk Mil 120 triệu đồng do tự ý khai thác than bùn ở khu vực thôn Rừng Lạnh, xã Đắk Hòa, huyện Đắk Song… Hay mới đây nhất, phát hiện một khu vực khai thác quặng thiếc trái phép nằm ngay trong khu vực phòng thủ quân sự thuộc Bộ Chỉ huy tỉnh đội Đắk Nông quản lý nhưng chưa tìm được đối tượng khai thác.
Địa phương khó xử lý
Ông Nguyễn Xuân Ánh, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) cho biết, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện diễn ra lén lút, lợi dụng vào các ngày nghỉ như lễ, Tết. Trong khi đó, cơ quan Nhà nước với lực lượng mỏng, chỉ làm việc trong giờ hành chính nên rất khó kiểm soát vấn đề này.
Theo ông Đàm Quang Trung - Giám đốc Sở TN&MT Đắk Nông, hiện, UBND tỉnh Đắk Nông đã cấp phép cho 25 mỏ đá thuộc các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để khai thác đá xây dựng. Riêng đối với đá cây hay còn gọi là đá có hình cột, trụ chưa được tỉnh cấp giấy phép khai thác.
Còn đối với khu vực khai thác cát ở dọc sông Krông Nô, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi những điểm bị sạt lở, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát. Tuy vậy, do sông Krông Nô nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk nên để giải quyết được tình trạng khai thác cát “lậu” cần phải có quy chế phối hợp rõ ràng hơn. Theo ông Trung, vấn đề này đã được hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk trao đổi, nhưng đến nay, vẫn đang ở góc độ thảo luận, chưa có cam kết cụ thể.
Ông Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo cho các Sở, ngành liên quan phải tăng cường công tác quản lý. Đồng thời, phải xử lý quyết liệt những trường hợp vi phạm nếu có.
Trong năm 2018 và năm 2019, UBND tỉnh Đắk Nông đã ra nhiều quyết định xử phạt các đơn vị vi phạm và tước nhiều giấy phép khai thác đá do không chấp hành quy định về quản lý Nhà nước. Điển hình, như đầu năm 2019, UBND tỉnh Đắk Nông đã ký Quyết định xử phạt 1 đơn vị khai thác đá 120 triệu đồng, 1 doanh nghiệp khai thác trái phép than bùn 120 triệu đồng và rút 3 giấy phép hoạt động mỏ đá do không chấp hành nghĩa vụ đóng thuế.
Ngày 22/10/2018, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định 1661/QĐ-UBND, về việc phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đáng chú ý UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các xã, huyện, thị xã phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tình trạng khai thác trái phép khoáng sản trên địa bàn. Nếu trường hợp địa phương nào để xảy ra việc khai thác trái phép, người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước cấp cao hơn.
Tuy vậy, theo đại diện lãnh đạo một số địa phương của tỉnh Đắk Nông tỏ ra “bất lực” trước tình trạng “khai thác khoáng sản lậu” như thời gian qua. Nguyên nhân, khi phát hiện khai thác trái phép đơn vị đã lập biên bản và xử lý hành chính. Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, quy định trong khâu xử lý còn bất cập, không thể xử lý dứt điểm.
Phạm Hoài (TNMT)