Kinh tế

Nông nghiệp

Khấm khá nhờ nghề “ăn cơm đứng”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người xưa có câu: “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” để nói về sự vất vả của những người làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, nghề này lại đang đem lại sự khấm khá cho nhiều nông dân ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Thu nhập cao

Hơn 30 năm trước, gia đình ông Đỗ Xuân Lượng (thôn Thanh Hà 1, xã Ia Hrung) từng theo nghề trồng dâu nuôi tằm. Nhưng vì đầu ra khó khăn, chỉ được vài năm, gia đình ông đành bỏ nghề này.

Ông Lượng cho biết: Mãi đến năm 2018, khi tìm hiểu thì ông thấy nghề trồng dâu nuôi tằm thuận lợi hơn nhiều so với trước đây, đầu ra rất ổn định. Vì thế, gia đình đã chuyển 3 sào hồ tiêu kém hiệu quả sang trồng dâu. Khi vườn dâu phát triển tốt, ông bắt đầu nuôi tằm.

Đầu năm 2019, ông nuôi 1 hộp giống tằm nhưng lại không thành công vì mua phải giống kém chất lượng. Rút kinh nghiệm, năm 2020, ông nuôi tiếp 1 hộp tằm, chọn mua giống của cơ sở có uy tín. Lứa nuôi này, ông thu được 70 kg kén, bán với giá 180.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 10 triệu đồng.

Vừa làm, ông vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm nên những lứa sau, năng suất kén ngày càng tăng. Thấy trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả cao, ông Lượng không ngừng mở rộng quy mô. Đến nay, gia đình ông đã chuyển 9 sào đất cà phê, hồ tiêu không hiệu quả sang trồng dâu.

Ông duy trì mỗi tháng nuôi 2 hộp giống tằm, mỗi đợt nuôi kéo dài tầm 15 ngày, thu được 120-160 kg kén. Với giá kén hiện nay trung bình 190 ngàn đồng/kg, gia đình ông có thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí. Có những thời điểm khan hiếm hàng, gia đình ông bán kén với giá 220 ngàn đồng/kg, thu nhập đạt gần 30 triệu đồng/tháng.

Ông Lượng chia sẻ: “Tằm dễ nuôi, chi phí thấp, 15 ngày là có thu nhập. Chỉ cần đảm bảo nhà nuôi luôn sạch sẽ, thoáng mát, cho tằm ăn đều đặn lá dâu sạch là được”.

Cũng theo ông Lượng, trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao hơn nhiều so với các cây trồng phụ khác. Nông dân nên tận dụng những diện tích đất canh tác cà phê, hồ tiêu kém hiệu quả để chuyển sang trồng dâu nuôi tằm sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Sản phẩm làm ra được các đơn vị cung cấp giống bao tiêu hết.

Nhờ gắn bó với nghề “ăn cơm đứng”, gia đình ông Rơ Châm Thiên (làng Ku Tong, xã Ia Pếch) có thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng. Ảnh: Đ.Y

Nhờ gắn bó với nghề “ăn cơm đứng”, gia đình ông Rơ Châm Thiên (làng Ku Tong, xã Ia Pếch) có thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng. Ảnh: Đ.Y

Tương tự, 3 năm qua, nhờ gắn bó với nghề “ăn cơm đứng”, gia đình ông Rơ Châm Thiên (làng Ku Tong, xã Ia Pếch) cũng có thu nhập ổn định. Ông Thiên cho biết: Đầu năm 2020, ông bắt đầu trồng hơn 2,5 sào dâu để nuôi tằm. Mỗi lứa, ông nuôi nửa hộp đến 1 hộp tằm. Thu nhập hàng tháng đạt 9-10 triệu đồng. Nhận thấy mô hình này hiệu quả, ông tiếp tục phá bỏ hơn 2 sào cà phê kém hiệu quả để trồng dâu nhằm mở rộng quy mô nuôi 1-2 hộp tằm/tháng.

Liên kết mở rộng quy mô

Hiện nay, nông dân đã tích cực học hỏi và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào trồng dâu nuôi tằm; sử dụng giống dâu mới cho sản lượng lá nhiều, kết hợp giống tằm mới cho lượng kén cao. Nhờ đó, họ tiết kiệm được công sức, thời gian, hiệu quả kinh tế lại cao hơn.

Theo chia sẻ của ông Lượng, thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, các hộ dân đều tận dụng không gian trống trong nhà và sử dụng nong, nia để nuôi tằm. Với cách làm truyền thống này, tằm dễ nhiễm bệnh, sinh trưởng không đều, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng kén. Còn bây giờ, bà con đầu tư xây khu nuôi tằm riêng và nuôi tằm bằng khay.

Bên cạnh đó, để ngăn ruồi xâm nhập tấn công, nhiều hộ mua màn về mắc để bảo vệ tằm. Với phương pháp này, tằm được cách ly tối đa với các loài côn trùng truyền bệnh, giúp người dân giảm thiểu rủi ro, thiệt hại trong quá trình nuôi.

Ông Rơ Châm Thiên, làng Ku Tong, xã Ia Pếch đang cắt dâu cho tằm ăn. Ảnh: Đinh Yến

Ông Rơ Châm Thiên, làng Ku Tong, xã Ia Pếch đang cắt dâu cho tằm ăn. Ảnh: Đinh Yến

Xã Ia Pếch có diện tích trồng dâu nuôi tằm lớn nhất huyện Ia Grai. Năm 2019, xã đã thành lập Tổ liên kết trồng dâu nuôi tằm gồm 16 thành viên.

Ông Trần Ngọc Minh-Tổ trưởng Tổ liên kết trồng dâu nuôi tằm-thông tin: “Đến nay, tổ có 50 thành viên trồng dâu nuôi tằm với diện tích trên 50 ha. Từ đầu năm nay, tôi đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Tơ tằm Ba Minh (tỉnh Lâm Đồng) và xây dựng mối liên kết sản xuất, tiêu thụ với người dân. Mỗi tháng, tôi thu mua của thành viên trong tổ và người dân các xã lân cận khoảng 7 tấn kén, trị giá 1,5-1,7 tỷ đồng”.

Theo ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai: Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 70 ha đất trồng dâu nuôi tằm, tập trung chủ yếu ở các xã Ia Pếch, Ia Bă, Ia Hrung và thị trấn Ia Kha; trong đó, xã Ia Pếch chiếm đến 70% diện tích.

Trước đó, Phòng đã thực hiện chương trình đẩy mạnh phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn các xã. Phòng phối hợp với Hội Nông dân huyện hỗ trợ các hộ vay vốn để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm.

“Thời gian tới, huyện sẽ xem xét, tiếp tục ưu tiên nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để hỗ trợ người dân duy trì, mở rộng quy mô trồng dâu nuôi tằm”-ông Thắm cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm