Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Khấm khá nhờ nghề ươm cây giống lâm nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhận thấy nhu cầu giống cây lâm nghiệp tăng cao, nhiều hộ dân ở xã Song An (thị xã An Khê) đã đầu tư xây dựng vườn ươm cây keo, bạch đàn. Các vườn ươm này không chỉ giúp nhiều hộ nâng cao thu nhập mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Ươm cây giống cho thu nhập cao
Ông Nguyễn Văn Thông (thôn Thượng An 2) cho biết: “Khi còn làm tại Công ty Lâm nghiệp 19, tôi thấy các công ty lâm nghiệp và người dân tìm mua giống cây keo, bạch đàn rất nhiều. Năm 1994, sau khi nghỉ việc, sẵn có đất, vợ chồng tôi quyết định đầu tư xây dựng vườn ươm rộng 6.000 m2”.
Hiện nay, gia đình ông Thông chỉ ươm giống cây keo và bạch đàn loại cấy mô. Đặc điểm của loại cây này là khi trồng dễ thích nghi với điều kiện thời tiết, nhanh phát triển và tỷ lệ sống đạt cao. Cây giống cấy mô ông Thông mua từ các đơn vị có uy tín ở TP. Hồ Chí Minh rồi đem về cấy vào bầu đất. Sau khoảng 100 ngày chăm sóc, cây giống có thể xuất bán, giá dao động 1.600-2.000 đồng/cây. Mỗi năm, vườn ươm của ông Thông xuất bán hơn 1,5 triệu cây giống, thu lãi gần 400 triệu đồng. “Nhờ thu nhập từ vườn ươm mà vợ chồng tôi nuôi được các con học đại học, mua đất, ô tô, sắm các vật dụng trong gia đình và giúp đỡ người nghèo trên địa bàn xã”-ông Thông vui vẻ nói.
 Mỗi năm, gia đình ông Nguyễn Văn Thông (xã Song An, thị xã An Khê) thu lãi gần 400 triệu đồng từ vườn ươm cây giống. Ảnh: N.M
Mỗi năm, gia đình ông Nguyễn Văn Thông (xã Song An, thị xã An Khê) thu lãi gần 400 triệu đồng từ vườn ươm cây giống. Ảnh: N.M
Cũng nhận thấy nhu cầu giống cây lâm nghiệp ngày càng tăng cao, năm 2014, ông Thái Xuân Biên (thôn Thượng An 3) đã biến 1 ha đất vườn khô cằn thành vườn ươm cây keo, bạch đàn. Ông Biên cho hay: Hàng năm, vườn ươm của gia đình tôi xuất bán hơn 1 triệu cây keo, bạch đàn giống cho người dân trên địa bàn thị xã An Khê và các huyện lân cận. Sau khi trừ các loại chi phí, gia đình tôi thu về hơn 200 triệu đồng/năm. Vườn ươm của gia đình cũng tạo việc làm cho 8-10 người trong thôn.
Theo các hộ ươm cây giống tại xã Song An, nghề ươm cây keo, bạch đàn không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng cần sự tỉ mỉ. Vào thời điểm nắng nóng cần tăng cường tưới nước; khi mưa nhiều nên đào rãnh thoát nước, đảm bảo vườn khô ráo để bầu cây không úng nước dẫn đến thối rễ, cây chết. Nhu cầu trồng cây lâm nghiệp tăng cao nên cây giống ươm tới đâu bán hết đến đó. Cây bạch đàn, keo giống được xuất đi các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh và các huyện, thị xã trong tỉnh.
Tạo việc làm cho lao động tại chỗ
Theo thống kê, trên địa bàn xã Song An hiện có 13 hộ dân đang ươm giống cây keo, bạch đàn. Trong đó, thôn Thượng An 2 có 11 hộ, thôn Thượng An 3 có 2 hộ. Những vườn ươm này đã tạo việc làm cho nhiều người lao động tại địa phương. Bà Đoàn Thị Chín (thôn Thượng An 2) chia sẻ: Tôi làm trong vườn ươm của ông Thông đã hơn 10 năm. Ngoài tôi còn có 6 người nữa, làm quanh năm không hết việc. Lúc cao điểm, vườn ươm có hơn 10 người luôn chân luôn tay đóng bầu, chăm sóc cây, xuất bán cây giống… Toàn bộ lao động đều là phụ nữ trong thôn hoặc trên địa bàn xã. Chúng tôi chỉ làm 7 giờ/ngày, thời gian còn lại về làm việc nhà. Tùy theo công việc mà mức tiền công từ 150 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng/người/ngày.
Còn chị Nguyễn Thị Nguyệt (thôn Thượng An 3) tâm sự: Gia đình tôi có hơn 4 sào vườn trồng chanh dây và cỏ nuôi bò nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Chồng tôi thường xuyên đau ốm, không làm được việc nặng, các con đang tuổi ăn học. Để có tiền lo cho gia đình, trước đây, ai kêu gì tôi làm nấy, lúc cuốc cỏ mì, chặt mía, khi róc vỏ cây… Tuy nhiên, công việc lúc có, lúc không mà phải đi xa hàng chục cây số. “Sau khi xin vào làm trong vườn ươm, tuy tiền công không cao nhưng ổn định, lại có thời gian tăng gia sản xuất, chăm sóc chồng con”-chị Nguyệt nói.
Ông Nguyễn Thanh An-Chủ tịch UBND xã Song An-cho biết: “Nhiều năm nay, ươm giống cây keo, bạch đàn đã trở thành một nghề mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã. Các vườn ươm đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương, tạo sự gắn kết tình làng nghĩa xóm”.
 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm