Sáng 23.11, nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23.11, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM sẽ khai mạc triển lãm chuyên đề Tiền giấy Việt Nam qua các thời kỳ của Kỷ lục gia Việt Nam Huỳnh Tấn Thành - người có bộ sưu tập giấy bạc lưu hành tại Việt Nam qua các thời kỳ có số lượng nhiều nhất.
Nhà sưu tập Huỳnh Tấn Thành và bộ sưu tập những phác thảo giấy bạc quý giá được ông cất công sưu tầm và gìn giữ ẢNH: QUỲNH TRÂN |
Triển lãm giới thiệu gần 1.200 tư liệu, hiện vật quý như một phần lịch sử tiền tệ Việt Nam, từ giai đoạn Pháp thuộc đến nay.
20 đồng - Tiền Việt Nam Dân chủ cộng hòa (phác thảo) năm 1952 |
Lộ diện bộ sưu tập giấy bạc Đông Dương
TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cho biết: “Lịch sử tiền tệ Việt Nam bước vào giai đoạn mới khi thực dân Pháp xâm lược và đô hộ nước ta. Để ổn định tiền tệ ở xứ thuộc địa, người Pháp cho phát hành đồng Đông Dương (từ năm 1885 - 1954). Tiền Đông Dương lúc này được chia thành các đơn vị piastre, cent/centime và sapèque. Mặt trước của các tờ tiền giấy hoặc tiền kim loại ghi bằng tiếng Pháp, mặt sau ghi bằng chữ Hán, chữ Quốc ngữ, chữ Lào và chữ Khmer, song cũng có lúc chỉ ghi chữ Pháp”.
Theo nghị định ngày 21.1.1875, đầu tiên Ngân hàng Đông Dương cho lưu hành những tờ giấy bạc có 3 mệnh giá: $5, $20 và $100, mặt trước ghi bằng tiếng Pháp và Anh, mặt sau ghi chữ Hán: Đông phương hối lý ngân hàng (東方滙理銀行). Đến năm 1893, phát hành thêm tờ $1. Năm 1903, các loại tiền được bỏ phần tiếng Anh nhưng ghi thêm xuất xứ như: Cao Miên (高綿), Lục Tỉnh (六) cho khu vực miền Nam và Đông Kinh (東京), An Nam (安南) cho khu vực miền Bắc. Từ năm 1919 cho in thêm những tờ tiền với mệnh giá: 10 cents, 20 cents, 50 cents. Sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế, đồng tiền mất giá nên đợt phát hành năm 1936, Nhà nước phải phát hành thêm tờ $500.
Năm 1940, với nhiều biến động chính trị ở chính quốc, tại Đông Dương còn cho phát hành một loạt tiền giấy mới có in thêm dòng chữ Phủ Toàn quyền Đông Dương (Gouvernement General de l’Indochine) thay cho hàng chữ Banque de l’Indochine. Những tờ 10 cents, 20 cents, 50 cents rồi tiếp theo là tờ 5 cents xuất hiện. Năm 1947, phát hành tiếp những mẫu tiền mới, trong đó lần đầu tiên xuất hiện tờ $50. Năm 1952, Viện Phát hành quốc gia Việt, Miên, Lào đảm nhận việc phát hành mẫu tiền giấy riêng cho mỗi nước nhưng có giá trị khắp 3 nước. Chân dung quốc trưởng Bảo Đại, quốc vương Sihanouk và quốc vương Sisavang Vong xuất hiện trên tờ $1. Danh xưng piastre được dùng song hành với những tên bản xứ: riel cho Campuchia, kip của Lào, và đồng của cái gọi là Quốc gia Việt Nam.
Đây là lần đầu bộ sưu tập này lộ diện.
100 Piastres - giấy bạc Đông Dương (mẫu) năm 1920 |
“Tranh nghệ thuật” trên giấy bạc Việt Nam
Ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa đã chủ trương in và phát hành giấy bạc Việt Nam, nhằm khẳng định chủ quyền độc lập, bảo đảm nguồn lực tài chính, phục vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống (còn gọi là “giấy bạc tài chính”), phát hành từ năm 1945 - 1951 ở vùng tự do Bắc và Trung bộ, gồm cả tiền giấy và tiền kim loại.
“Sự hấp dẫn ở giấy bạc tài chính, theo tôi còn nằm ở những hình ảnh đầy ý nghĩa trên tờ giấy bạc: bảo vệ quê hương, kháng chiến kiến quốc, sĩ nông công thương… màu sắc tuy dung dị nhưng rất đẹp. Tiền giấy bạc tài chính của cách mạng do các họa sĩ nổi tiếng vẽ: Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Huyến, Nguyễn Văn Khanh, Mai Văn Hiến, Bùi Trang Chước, Nguyễn Sáng, Lê Phả, Huỳnh Văn Gấm…, nên mỗi tờ tiền là một bức tranh nghệ thuật, mô tả nội dung cần truyền tải về thiên nhiên, đất nước, con người, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Việt Nam. Qua đó cho thấy những trang sử hào hùng của dân tộc, dù nhà nước cách mạng non trẻ vẫn có đồng tiền riêng”, nhà sưu tập Huỳnh Tấn Thành nói.
Ông Thành cũng sẽ “mở kho” để mọi người cùng chiêm ngưỡng “kho báu tiền” được mua từ các trang bán tiền tệ trên mạng, mua từ các nhà sưu tập tiền Việt Nam ở trong nước, nước ngoài, mua từ những tiệm bán đồ xưa, đồ cũ tại Sài Gòn. “Tôi đã phải cất công đi Singapore, Thái Lan... có khi chỉ để sưu tập vài ba đồng tiền mà mình còn thiếu”, ông Thành nói.
Đặc biệt, triển lãm còn giới thiệu những tờ giấy bạc có chữ Giấy bạc Việt Nam, Quốc hiệu nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và chân dung Bác Hồ, mang những hình ảnh chống giặc dốt, chống giặc đói, chống ngoại xâm, liên minh công - nông - binh... Trên tờ giấy bạc, ngoài chữ Việt và chữ Hán, thỉnh thoảng còn có thêm chữ Khmer - Lào với chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính là Lê Văn Hiến hoặc Phạm Văn Đồng và chữ ký của Giám đốc Ngân khố Trung ương cùng hàng chữ “Theo Sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam, kẻ nào làm giả hoặc có hành động phá hoại tờ giấy bạc của Chính phủ, sẽ bị trừng trị theo quân pháp”.
Nhà sưu tập Huỳnh Tấn Thành cho biết: “Giấy bạc Nam bộ chất liệu khá tốt, cũng có ghi Quốc hiệu Việt Nam dân chủ cộng hòa, chân dung Bác Hồ, hàng chữ Giấy bạc Việt Nam và hàng chữ Theo sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam…”. Một số loại tiền chỉ lưu hành hạn hẹp trong một số tỉnh nên có thêm hàng chữ Chỉ lưu hành trong tỉnh Long - Châu - Sa (Long Xuyên - Châu Đốc - Sa Đéc) hoặc Chỉ lưu hành trong tỉnh Mỹ Tho, tất cả đều có chân dung Bác Hồ nên dân gian gọi là “giấy bạc Cụ Hồ”. Chưa kể, loạt tiền Giải phóng in cảnh sinh hoạt của quân dân miền Nam mà không in Quốc hiệu và Quốc huy, với nhiều mệnh giá 10 xu, 20 xu, 50 xu, 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng, 10 đồng và 50 đồng cũng được ông Thành gìn giữ cẩn thận.
Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu giấy bạc Tài chính Trung bộ, “tiền/giấy bạc xé đôi”, “giấy bạc/tiền đắp nền” lưu hành trong vùng giải phóng, tiền Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tiền Việt Nam cộng hòa và kể cả tiền polymer hiện nay… để người xem có cơ hội khám phá tiền giấy Việt Nam.
Theo Lê Công Sơn (Thanh Niên)