Khan hiếm kỹ sư bảo hộ lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngành bảo hộ lao động là nghề tương đối mới ở Việt Nam, được đào tạo trong khoảng 20 năm trở lại đây, cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhằm mục đích đảm bảo an toàn, sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động.

Bảo hộ lao động là nghề phổ biến ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam đây còn là ngành nghề tương đối mới - Ảnh: Aktiv 21
Bảo hộ lao động là nghề phổ biến ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam đây còn là ngành nghề tương đối mới - Ảnh: Aktiv 21


Đánh giá về nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội đối với ngành bảo hộ lao động trong thời gian tới, bà Nguyễn Thúy Lan Chi, trưởng khoa môi trường và bảo hộ lao động Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết hiện nay kỹ sư bảo hộ lao động hiện đang rất khan hiếm do nhu cầu nhân lực ngành này rất lớn nhưng cả nước chỉ có hai trường đại học đào tạo.

Bà Chi phân tích, nghề bảo hộ lao động không trực tiếp tạo ra sản phẩm, lợi nhuận cho doanh nghiệp nhưng lại giúp doanh nghiệp bảo vệ sự an toàn, sức khỏe của nhân viên; góp phần giúp doanh nghiệp giảm thiệt hại và chi phí nếu chẳng may có sự cố, tai nạn xảy ra.

“Vì vậy nghề này có nhiều điểm đặc trưng khác biệt của ngành này so với các ngành nghề khác đó là đòi hỏi phải có cái tâm với nghề, cái tâm với con người. Công việc của nghề bảo hộ lao động không trực tiếp cứu người nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ con người”, bà Chi nói.

Hiện nay cả nước chỉ có hai trường đại học đào tạo ngành bảo hộ lao động là Trường ĐH Tôn Đức Thắng (ở phía Nam) và Trường ĐH Công đoàn (ở phía Bắc). Sinh viên ngành bảo hộ lao động sẽ được cung cấp những kiến thức về kỹ thuật như điện, hóa chất, cơ khí…; phòng cháy chữa cháy, máy móc thiết bị, tâm sinh lý của con người; bệnh nghề nghiệp; tiêu chuẩn chất lượng an toàn môi trường trong và ngoài nước.

Từ đó, sinh viên có kiến thức để giám sát, thiết kế tối ưu hóa an toàn cho người lao động; chất lượng lao động, bố trí lao động hợp lý theo đúng năng lực, trình độ, sức khỏe.

Khi ra trường, kỹ sư bảo hộ lao động có thể làm việc tại tất cả các doanh nghiệp sản xuất, các tập đoàn đa quốc gia, các dự án công trình xây dựng, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn lao động, các công ty tư vấn các hệ thống quản lý chất lượng, an toàn; làm cán bộ thanh tra tại các sở và phòng lao động thương binh và xã hội các tỉnh, thành phố.

Đặc biệt kỹ sư bảo hộ lao động có thể làm việc cho các công ty, tổ chức nước ngoài - những nơi rất quan tâm đến vấn đề an toàn sức khỏe môi trường. Các bạn có khả năng ngoại ngữ sẽ có một cơ hội tìm việc cao hơn.

Công việc của người làm công tác bảo hộ lao động là lập kế hoạch đảm bảo an toàn lao động cho doanh nghiệp; giám sát, quản lý quy trình vận hành sản xuất; phân tích và đánh giá rủi ro trong công việc; thiết lập và duy trì các bộ phận đảm bảo an toàn, sức khỏe cho doanh nghiệp theo các qui định tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Mức lương bình quân của sinh viên mới ra trường theo làm nghề bảo hộ lao động khoảng 6-8 triệu đồng/tháng. Làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài mức lương khởi điểm có thể cao hơn.

Theo Tuoitre

Có thể bạn quan tâm