Kinh tế

Nông nghiệp

Khi đất bazan bạc màu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nông dân hoặc các nhà đầu tư trồng trọt lên Gia Lai là thích lắm cái màu nâu đỏ, nâu vàng đặc trưng của đất bazan. Theo đánh giá của các nhà thổ nhưỡng học thì đây là loại đất màu mỡ, giàu dinh dưỡng, tốt cho cây trồng, đặc biệt đối với các loại cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều. Một tài nguyên quý như thế lại được thiên nhiên ban tặng cho nước ta những 3 triệu ha, trong đó, Gia Lai là tỉnh sở hữu diện tích đất này nhiều nhất trong cả nước.  
Có lẽ không cần mô tả chi tiết về các đặc tính thổ nhưỡng, nhưng nguồn gốc hình thành thì nên biết chút ít về nó: bazan là sản phẩm của phún xuất thạch, đông kết từ dung nham trong lòng đất phun trào qua hoạt động của núi lửa Chư Đang Ya, Biển Hồ... là các núi mẹ của vùng đất bazan này. Chính thành phần đặc biệt của đá mẹ sau phong hóa đã cho đất bazan những phẩm chất quý trong canh tác nông nghiệp.
Như đã nói, người trồng trọt mà có được mảnh đất mang màu đặc trưng đo đỏ này thì mừng lắm, màu đất càng sậm chất đất càng mang lại năng suất và chất lượng cho cây trái. Cách đây đã lâu, trong khuôn viên nhà chỉ vài trăm mét vuông, tôi tận dụng trồng các loại rau quả, thích nhất là giàn su su, vài luống khoai lang, rau thơm các loại cứ vứt ra vườn là mọc tràn lan. Gần như chẳng cần bổ sung phân bón gì cả, vườn cứ vậy mà um tùm. Chẳng cần ai hô hào “tự sản tự tiêu”, ăn hay cho vẫn dư thừa, rụng khắp mà tự hoai thành phân bón loại 1 bồi bổ lại cho đất.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Cách đây mấy năm, tôi lại tìm đất mới chuẩn bị cho thú điền viên. Tái ngộ cùng vài sào đất bazan nhưng không còn là “người quen” cũ. Lần đầu gặp, diện mạo lạ lắm, dẫu vẫn màu đất đỏ vàng ấy nhưng lớp thực bì chỉ thị toàn một màu vàng úa của cỏ lông heo, xen lẫn cây bụi hằng niên èo uột, có nghĩa là đất ấy xấu lắm. Thuộc tính bazan đã quay ngoắt 180 độ, lớp đất mặt khô khốc, chai cứng, đào hố trồng cây nếu không có cây xà beng loại khủng thì bó tay. Lớp đất mặt biến chất sâu tới cả mét, khả năng ngậm nước đã không còn, độ bốc hơi thật mãnh liệt. Tất cả báo trước cho chủ nhân rằng sẽ vất vả lắm để trồng trọt khả quan trên nền đất ấy.
Quả thế, ông hàng xóm sau một năm thất bát dù đổ vào gần héc ta đất bazan của mình không ít phân bón các loại, đã phải gọt sạch lớp mặt, lấy đất nơi khác thay thế cả vài ba tấc để khả dĩ gieo trồng các loại rau và cây lâu năm. Diện tích đất hoang hóa vẫn còn dợn sóng những luống, những hố trồng, chứng tỏ nơi đây đã từng phủ một màu xanh tốt của vườn tược. Trách chăng nhiều thế hệ trước đây đã khai thác tận cùng chất màu mỡ của một loại đất quý, bỏ qua chuyện nuôi dưỡng để sử dụng lâu dài.
Theo nghiên cứu và thống kê, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có diện tích đất bazan thoái hóa ở cấp độ mạnh và rất mạnh là trên 1,5 triệu ha, trong đó nhiều nhất là tỉnh Gia Lai với 850.000 ha. Chuyện “của bền tại người” luôn luôn đúng trong mọi trường hợp. Chỉ có thể áp dụng một quy trình canh tác hợp lý ngay từ bây giờ thì mới có thể giữ được số diện tích đất bazan còn lại, tránh nguy cơ bạc màu và sa mạc hóa đang diễn ra với cấp độ rất mạnh ở các tỉnh Tây Nguyên.
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm