Bị kiểm tra tại chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, 3 thanh niên đã trình giấy đi đường mua ở hiệu cầm đồ.
Người dân ra đường trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội phải có giấy đi đường. Ảnh minh hoạ: Tùng Giang |
Ba người này khai nhận đã mua 9 giấy đi đường với tổng số tiền 12 triệu đồng tại một cửa hàng cầm đồ ở đường Láng, quận Đống Đa.
Hóa ra, có loại giấy đi đường của chính quyền nhưng phát hành tại hiệu cầm đồ.
Phải điều tra để xử lý theo pháp luật đường dây bán giấy đi đường này. Có hai khả năng xảy ra, một là có tổ chức làm giấy giả để bán cho người dân, hai là cán bộ địa phương tuồn giấy đi đường cho hiệu cầm đồ bán.
Hoặc cũng có thể, những người này không mua giấy đi đường ở hiệu cầm đồ, mà mua từ một nguồn khác, do cán bộ chính quyền cung cấp. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ.
Từ chuyện này cho thấy, các loại giấy đi đường được Thành phố Hà Nội quy định với mục tiêu hạn chế người ra đường nhưng đang bị lợi dụng. Nếu không quản lý tốt, sẽ không hạn chế được người dân đi ra đường với lý do không cần thiết. Bởi các loại giấy tờ đó xoay xở được tất, thậm chí có cả chuyện phát hành tại tiệm cầm đồ.
Để hạn chế người đi ra đường, phải quản lý tận gốc, đó là chính quyền phải làm gương trước, yêu cầu các cơ quan triển khai làm việc online, trừ những vị trí đặc biệt mới đến trụ sở. Ngoài ra, tất cả cuộc họp đều tổ chức trực tuyến, không có bất cứ ai phải đi ra đường vì chuyện họp hành.
Đối với các cơ quan, đoàn thể cũng hoạt động theo hình thức trực tuyến. Nếu làm được như vậy thì đã hạn chế được một số lượng lớn người ra đường.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng có trách nhiệm tham gia phòng chống dịch bằng cách hạn chế đi ra đường, tổ chức làm việc tại nhà, trừ những xưởng sản xuất. Giới doanh nghiệp nói đến công nghệ 4.0, thì đây là cơ hội để thực hiện trên thực tế, dù là ở mức đơn giản nhất, làm việc trực tuyến.
Cùng với cách làm như trên, việc quan trọng là tập trung tuyên truyền sâu và rộng về phòng chống dịch, thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách theo Chỉ thị 16. Người dân phải thấy rõ mối nguy hiểm của dịch bệnh, trách nhiệm công dân và cách để tự bảo vệ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Cuối cùng là xử phạt, phải phạt thẳng tay, phạt thật nghiêm và thật nặng những trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch. Vừa qua, câu chuyện Chủ tịch phường xử phạt Bí thư phường Tân Mai (Hà Nội) 2 triệu đồng vì không đeo khẩu trang là một vụ điển hình về xử lý nghiêm.
Xã hội sẽ đi vào trật tự một khi pháp luật được thực thi một cách mạnh mẽ và nghiêm minh.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khi-giay-di-duong-duoc-phat-hanh-o-hieu-cam-do-940629.ldo
Theo Lê Thanh Phong (LĐO)