Thời sự - Bình luận

Khi học phí tăng...

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nghị định 97/2023/NĐ-CP về những vấn đề liên quan tài chính và học phí cho giáo dục vừa được Thủ tướng ký ban hành, tháo gỡ phần nào khó khăn cho các cơ sở giáo dục, nhất là giáo dục đại học (ĐH) và giáo dục nghề nghiệp.

Giáo dục Việt Nam phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mọi người đều có cơ hội tiếp cận nền giáo dục chất lượng, công bằng, bình đẳng.

Trong nền giáo dục ấy, chúng ta có lựa chọn khó khăn về mục tiêu muốn nhiều người được học ĐH và học nghề có chất lượng, trong khi điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế.

Tìm kiếm nguồn tài chính ngoài xã hội, thực hiện chính sách tín dụng, miễn giảm học phí và thu học phí của người học là các giải pháp chính để đạt được mục tiêu này. Vì vậy, có thể xem Nghị định 97 tạo cơ hội để giáo dục - đào tạo phát triển.

Học phí thấp từ nhiều năm qua đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo. Bởi lẽ, nhà trường thiếu kinh phí thu hút người tài và giữ chân họ làm giảng viên ĐH, gặp khó khăn trong việc xây dựng cơ sở vật chất, thiếu trang thiết bị phục vụ học tập...

Hệ lụy lớn hơn là do nguồn thu từ học phí không đủ, nhiều trường công lập tăng quy mô tuyển sinh, lấy số lượng bù vào chất lượng. Tỉ lệ sinh viên/giảng viên quá cao đã vượt quá khả năng đáp ứng yêu cầu của chất lượng đào tạo.

Ngoài ra, học phí trường công lập thấp còn tạo sự cạnh tranh không bình đẳng với trường tư; không có vai trò điều tiết quy mô giữa học ĐH và học nghề. Có thể xem học phí tăng theo Nghị định 97, dù không nhiều, nhưng có thể góp phần đổi mới, cải thiện chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, học phí tăng sẽ kèm theo những thách thức. Trước hết, đó là thách thức với sinh viên và gia đình về gánh nặng tài chính.

Nhiều sinh viên sẽ phải vừa lo đi học vừa đi làm để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Áp lực học tập và căng thẳng tài chính do học phí cao hơn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần các em.

Ngay cả các giảng viên cũng có thể đối mặt thách thức vì phải làm việc nhiều hơn, dù có thể nhận được thu nhập cao hơn.

Sinh viên sẽ kỳ vọng cao hơn về chất lượng giáo dục, dẫn tới việc nhà trường phải nâng cao tiêu chuẩn giảng dạy, nghiên cứu nên áp lực công việc của giảng viên càng tăng.

Nhà trường cũng phải cam kết mạnh mẽ và có trách nhiệm giải trình cao hơn về việc cung cấp môi trường giáo dục có chất lượng.

Khi học phí tăng, dù ít hay nhiều, điều quan trọng là cơ sở giáo dục cần có kế hoạch chi tiêu phần tài chính dư ra từ nguồn học phí tăng ấy, tập trung vào mục tiêu chất lượng và hiệu quả.

Trong điều kiện "thắt lưng buộc bụng", nếu lãnh đạo nhà trường thiếu năng lực quản lý tài chính, nguồn dôi dư học phí này rất có thể bị tiêu xài lãng phí.

Do vậy, mỗi cơ sở giáo dục cần phải lập kế hoạch ngân sách minh bạch. Sinh viên, giảng viên và các bên liên quan cần nắm thông tin về kế hoạch này.

Sự minh bạch ấy giúp xây dựng niềm tin giữa các bên liên quan, cung cấp cái nhìn rõ ràng về cách sử dụng nguồn học phí. Kế hoạch chi tiêu cụ thể, minh bạch sẽ góp phần giúp nhà trường phát triển bền vững.

Khi ấy, chất lượng giáo dục phải được nâng cao qua sự hài lòng của người học và cơ hội việc làm sau khi ra trường được cải thiện.

TS HOÀNG NGỌC VINH (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT)

Có thể bạn quan tâm