Xã hội

Gia đình

Khi nào nên dạy trẻ kỹ năng sống tự lập?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bài viết này dành cho các cha mẹ muốn tham khảo nuôi dạy con kỹ năng sống theo quan điểm của người Nhật và của phương pháp Montessori.

 



Ngày nay, nhiều cha mẹ vì nghĩ rằng làm giúp con là thể hiện tình yêu thương với con, vì muốn con chỉ cần chuyên tâm vào ăn, học và chơi,... Có muôn vàn lí do như thế nên cha mẹ đã vô tình cướp đi của con trẻ rất nhiều những việc mà lẽ ra nó phải là công việc và trách nhiệm của cá nhân con trẻ. Điều này vô tình làm một đi một kỹ năng sống cơ bản này của trẻ.

Dạy trẻ tự lập từ khi nào?

Câu trả lời rất đơn giản đó là khi trẻ được một tuổi rưỡi đến hai tuổi trẻ đòi tự mình đi giày, tự mình đi nhà vệ sinh… đây là thời kỳ trẻ bắt đầu muốn được tự mình làm mọi thứ, tức là bắt đầu muốn tự lập thì thay vì ngăn cản cha mẹ hãy trao cho trẻ quyền được tự mình làm.

Thực tế, đây là thời điểm cần dạy trẻ tính tự lập để làm nền móng vững chắc cho giai đoạn sau này, tránh việc trẻ lớn lên vẫn giữ thói quen được cung phụng như thế thì cha mẹ lại bắt đầu ca thán và la mắng con rằng sao lại ỷ nại thế, dựa dẫm thế.

Vì sao phải để trẻ tự lập từ khi còn nhỏ?

Khi trẻ muốn tự mình làm, đó cũng chính là bước cơ bản đầu tiên mà một con người tiến tới tự lập. Nếu cha mẹ bỏ qua giai đoạn tiền đề này không cho trẻ luyện tập, rồi khi trẻ lớn lên vài tuổi nữa lại la mắng trẻ là “lớn rồi mà mấy cái việc cỏn con này cũng không làm được” hay “tự mình làm đi”, thì thật chẳng khác nào xây nhà mà không xây móng. Đồng thời ý thức muốn tự mình làm nó còn thể hiện sự khẳng định cái tôi, ý chí của bản thân nên nếu như nó nhận được sự tôn trọng từ cha mẹ thì cái tôi ấy sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái.

Còn nếu như cha mẹ nào nhìn thấy con lóng ngóng cầm thìa rồi làm đồ ăn tung tóe, vụng về, buộc mãi cái dây giày mà nó không xong thì sốt ruột, rồi cáu kỉnh, hay dụ dỗ “khi nào con làm được thì mẹ cho con làm” thì tự nhiên đã ngắt mất mầm non tự lập vừa mới nhú của trẻ đi rồi.

Cha mẹ lại không biết rằng trẻ sẽ tích lũy được kinh nghiệm để trở nên thành thạo hơn từ chính những trải nghiệm vụng về và thất bại ấy đấy. Hơn thế nữa hành động ngăn cản còn ám thị một sự phủ định cái tôi của trẻ, sẽ khiến trẻ mất đi tự tin và động lực hành động.

Sự phát triển của trẻ sẽ chia ra nhiều bước, mà thành thục bước này rồi sẽ là tiền đề cho trẻ tiến đến bước cao hơn. Tại sao cha mẹ không coi việc trẻ muốn tự xúc cơm, tự đi giày… cũng như một giai đoạn phát triển như là việc trẻ tập lẫy, tập bò để kiên nhẫn với trẻ hơn.

Đứng trên quan điểm của nhà giáo dục Montessori thì có những thời điểm chỉ xảy đến một lần duy nhất trong đời trẻ mà ở thời điểm đó, cơ quan cảm thụ của trẻ trở nên nhạy cảm đặc biệt để tiếp thu những kích thích từ môi trường xung quanh. Thông qua việc hấp thu những kích thích cần thiết và tất yếu ấy trẻ sẽ hình thành nên chính con người mình. Đó chính là “thời kỳ nhạy cảm”.

Dấu hiệu của thời kỳ nhạy cảm chính là việc trẻ thể hiện mình muốn làm gì, đang tập trung hay có hứng thú đặc biệt với cái gì. Nếu như cha mẹ bỏ qua thời kỳ này thì trẻ vẫn sẽ học được nhưng khả năng thành thục sẽ chậm hơn và có khi làm giảm đi tinh thần ham học hỏi của trẻ đi rất nhiều.

Vậy thì “muốn tự mình làm gì” cũng chính là dấu hiệu của trẻ bước vào thời kỳ nhạy cảm đó, và để giúp con phát triển về cảm xúc lẫn rèn luyện tính tự lập lẫn kỹ năng sống thì cha mẹ đừng bỏ qua thời kỳ nền móng quan trọng này. Nếu muốn sau này nuôi con “nhàn nhã” thì cha mẹ hãy dành thời gian kiên nhẫn, dõi theo những thay đổi từ tâm lí đến hành động, và một trái tim sẵn sang “tiếp nhận những mong muốn của con” nhé.

Tự lập là một kỹ năng sống cần thiết và cha mẹ cần chú ý ngay từ những ngày đầu tiên con mình muốn tự mình làm một điều gì đó. Đừng ngăn cản mà hãy luôn cổ vũ để con mình tự tin thực hiện.

Nhật Linh tổng hợp (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm