Phóng sự - Ký sự

Khi người già đi học công nghệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đều đặn mỗi tháng một lần, nhiều cụ ông, cụ bà từ 60 đến 90 tuổi lại mang tập bút đến lớp học về sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội nhằm bắt kịp được với thời đại 4.0 cũng như biết cách phòng tránh lừa đảo qua mạng.

Lớp học đặc biệt

Cứ đúng 2 giờ chiều thứ Hai của tuần thứ 2 trong tháng, các học viên của lớp hướng dẫn Internet, Smartphone cho người cao tuổi lại đến địa chỉ tại số 5 Đinh Tiên Hoàng, (quận 1, TP Hồ Chí Minh) để học cách sử dụng các ứng dụng công nghệ “hot” hiện nay. Lớp học công nghệ dành cho người cao tuổi này đã hoạt động từ năm 2014 do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ quận 1, TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Lớp học sử dụng mạng xã hội cho người già ở Quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Sĩ số lớp học duy trì đều đặn khoảng 20 học viên. Mỗi học viên đều mang một câu chuyện riêng, những lý do khác nhau để cơ duyên đưa họ cùng đến với lớp học đặc biệt này. Ông Bùi Tuấn Kiệt (70 tuổi, ngụ tại quận 8, TP Hồ Chí Minh), từng công tác lâu năm trong ngành ngân hàng cho biết, sau khi nghỉ hưu, ông cảm thấy cô đơn, lạc lõng nếu không rành công nghệ. Hiểu những rào cản của bản thân, nhưng hầu hết những người có tuổi, do khoảng cách thế hệ nên rất khó nói chuyện hay mở lời nhờ con cái chỉ dẫn việc sử dụng Internet cũng như các tính năng, ứng dụng trên điện thoại.

Từ khi biết đến lớp học thông qua một bản tin ngắn trên báo và đăng ký tham gia đến nay đã 10 năm, ông Kiệt đã trở nên tự tin hơn nhiều, thậm chí còn cảm thấy mình trẻ lại khi học được nhiều thứ mới. Từ việc biết cách sử dụng ứng dụng Grab để đặt xe, đến kết nối với bạn bè, con cháu qua mạng xã hội, video call, cuộc sống của ông Kiệt trở nên phong phú và tiện lợi hơn. “Lớp học này chạm đúng tâm lý người già, dù là trên lớp học hay những buổi sinh hoạt ngoại khóa, mọi người đều thấy rất vui vẻ và gắn bó, gọi đây là gia đình cũng đúng”, ông Kiệt tâm sự.

Bên cạnh được học các kỹ năng sử dụng máy tính, điện thoại, mạng xã hội Facebook, Messenger, YouTube, Zalo, TikTok, người cao tuổi có thể đề nghị được dạy những thao tác cần thiết khác theo nhu cầu như đặt đồ ăn, sử dụng phần mềm AI hot hiện nay như CapCut, Gemini... để tự tạo video, hình ảnh, làm thơ, hay cách sử dụng và bảo mật thông tin cá nhân trên ứng dụng VneID. Nhờ có lớp học, nhiều người cao tuổi đã học cách sử dụng mạng xã hội để trò chuyện với con cháu ở xa, xem ảnh và video của các bé, tham gia các hội nhóm dành cho người cao tuổi. Không chỉ vậy, việc học tập và tiếp xúc với công nghệ mới còn giúp các cụ duy trì trí nhớ và tinh thần minh mẫn, ngăn ngừa các bệnh liên quan đến trí nhớ ở người già.

Là một trong những học viên kỳ cựu đã theo học từ năm 2015 đến nay, bà Lê Thị Liên Hoa (77 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) tự hào khi tuổi đã cao nhưng vẫn có khiếu học thêm bộ môn công nghệ khó nhằn này. Dù gặp không ít khó khăn, nhưng bà Hoa luôn kiên trì, tìm tòi học từng chút vì bà tin rằng, đây là cách để bắt nhịp cùng thời đại, tìm niềm vui cùng những trải nghiệm mới và tăng thêm sự kết nối với con cháu trong gia đình, bạn bè. “Nhờ có lớp học này, tôi thậm chí còn biết cách sử dụng Chat GPT để làm thơ, CapCut làm video hình ảnh để tặng bạn bè nhân ngày sinh nhật”, bà Hoa hào hứng kể, đôi mắt lấp lánh niềm vui.

Giống như bà Hoa, bà Trương Thị Dung (67 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) biết đến lớp học từ năm 2014. Trước đó, bà thường quẩn quanh ở nhà với chiếc điện thoại nhưng không biết nhiều tính năng, mỗi lần bà cần thao tác gì, các con thường làm giúp luôn chứ không hướng dẫn. Nên khi biết đến lớp học này, bà Dung được các con động viên tham gia. Suốt 10 năm qua bà Dung luôn duy trì thói quen đến lớp mỗi tháng một lần để cập nhật các ứng dụng xu hướng mới. Những ngày đầu mới học, bà Dung thường gặp cảnh nhớ trước quên sau bởi có quá nhiều thao tác và từ ngữ tiếng Anh, giáo viên hướng dẫn tạo tài khoản, bỏ dấu câu, bà về nhà tự thao tác nhiều lần.

Sau một thời gian ngắn, bà Dung thành thục gọi điện thoại cho con cháu, tự tìm nội dung mà mình muốn xem, đọc trên báo online và YouTube và nhiều những cái được khác khi tham gia lớp học này. “Học để bản thân mình độc lập, không phải nhờ vả ai hết, ngoài những tiện ích thông dụng cơ bản tôi còn có thể tự gọi Grab, tự đặt khách sạn, tour du lịch, chụp ảnh mà không bị phụ thuộc hay làm phiền tới con cháu”, bà Dung chia sẻ.

Để quá trình hướng dẫn trở nên dễ dàng hơn, giáo viên và các tình nguyện viên luôn cố gắng sử dụng những câu từ đơn giản, dễ hiểu nhất. Quan trọng nhất, chính là sự kiên nhẫn, lặp đi lặp lại để có thể đồng hành cùng người cao tuổi vượt qua nỗi tự ti trước công nghệ số.

Tình nguyện viên Trần Nguyễn Ngọc Trang hướng dẫn học viên cách đăng nhập ứng dụng VneID.

Biết đến lớp học như một sự hạnh ngộ tình cờ, chị Trần Nguyễn Ngọc Trang đã gắn bó gần một năm qua trong vai trò tình nguyện viên. Dẫu công việc bận rộn, chị Trang vẫn luôn dành thời gian đến lớp mỗi tháng một buổi để hỗ trợ mọi người. Người lớn tuổi thường nói trước quên sau, nên chị Trang phải kiên nhẫn hướng dẫn các cô chú ghi chép, thao tác lại nhiều lần để nhớ lâu hơn. “Trong quá trình hướng dẫn, các ông bà luôn chăm chú học, ghi chép đầy đủ, thậm chí còn sử dụng ứng dụng CapCut giỏi hơn người chỉ dẫn, tôi rất tự hào và ngưỡng mộ tinh thần học tập của các cô chú”, chị Trang hào hứng chia sẻ.

Ở lớp học này, những tình nguyện viên như chị Trang không chỉ được học những câu chuyện về sự vượt qua rào cản công nghệ, mà còn cả về tình yêu thương và sự gắn kết giữa các thế hệ. Chị Trang xúc động tâm sự: “Mỗi buổi học là một trải nghiệm đáng quý. Tôi thấy mình trưởng thành hơn, biết học được tính kiên nhẫn, biết nghĩ cho ba mẹ nhiều hơn, nhẫn nại hơn, không hay gắt gỏng như trước trong dẫn sử dụng ba mẹ sử dụng smartphone và mạng xã hội”.

Hội nhập thế giới, phòng ngừa lừa đảo

Người luôn đồng hành với lớp học tiếng Internet đặc biệt này gần 10 năm qua là anh Nguyễn Đăng Khoa, Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Học viện Sẻ Chia. Anh Khoa tham gia lớp học từ những ngày đầu, nhận thấy sự đam mê khi được học Internet của các cụ, anh Khoa quyết định gắn bó suốt 10 năm qua, dù công việc bận rộn. Thời gian đầu chỉ hướng dẫn cách sử dụng máy tính, sau này nhận thấy nhu cầu dùng điện thoại thông minh ngày càng lớn nên anh Khoa đã đề xuất mở lớp hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh và tự biên soạn giáo trình cho đến nay.

Anh Nguyễn Đăng Khoa hướng dẫn người lớn tuổi sử dụng ứng dụng mạng xã hội.

Giai đoạn đầu nhập môn, anh Khoa sẽ dạy cách quản lý các ứng dụng trên điện thoại như máy tính, tính toán, đặt báo thức. Sau đó mới chuyển qua hướng dẫn cách dùng Facebook, Zalo để nhắn tin và gọi điện, tạo email, chụp hình, quay phim. Trong quá trình học sẽ liên tục cập nhật các ứng dụng mới như CapCut để dựng video, BeautyPlus để chỉnh sửa hình ảnh, Chat GPT để làm thơ, ứng dụng học tiếng Anh Duolingo để bà cháu tương tác, có cơ hội gần nhau hơn.

Những người như anh Khoa không chỉ mang đến kiến thức mà còn mang cả tình yêu thương, sự kiên nhẫn và niềm vui trong từng buổi học. Phần lớn những người lớn tuổi thường mang tâm lý ngại nhờ con cháu hướng dẫn, đó cũng là điều khiến anh Khoa trăn trở. Khi được hỏi về phương pháp dạy học, anh Khoa cho rằng, người lớn tuổi rất mau quên, không nhanh nhạy bằng người trẻ vì vậy khi đứng lớp cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và sẵn sàng hỗ trợ giải đáp tất cả các thắc mắc để họ cảm thấy gần gũi, hướng dẫn từ những cái nhỏ nhất, đơn giản nhất. Càng đứng lớp anh càng hiểu được sự trải nghiệm của người lớn tuổi.

“Phải kiên trì từng bước, không nghĩ việc hướng dẫn lặp đi lặp lại là cái gì đó khó chịu, giống như khi còn nhỏ ba mẹ luôn kiên nhẫn với mình thì giờ mình kiên nhẫn lại. Đối với tôi lớp học như gia đình thứ hai của mình”, anh Khoa bộc bạch. Và, niềm vui sau những buổi dạy của anh Khoa chính là nguồn năng lượng học tập tích cực từ các học trò già. “Những thanh niên như thầy Khoa phải yêu thích người già mới có thể kiên nhẫn chỉ dẫn từng chút, gắn bó đồng hành cùng lớp học từ những ngày đầu đến giờ”, bà Trương Thị Dung tâm sự, bản thân dành nhiều tình cảm cho thầy Khoa.

Các học viên tập kỹ năng chụp ảnh nhận diện khuôn mặt để đưa vào ứng dụng VneID.

Trước thực tế những năm gần đây, người cao tuổi đã và đang phải đối mặt với vấn đề đáng báo động về tình trạng bị lừa đảo trực tuyến. Có rất nhiều người cao tuổi đã bị các đối tượng xấu chiếm đoạt tiền, nhiều người bị lừa mất hết số tiền cả đời dành dụm, tích cóp và còn bị tổn thương sâu sắc về tâm lý, tinh thần. Trong nhóm Internet dành cho người cao tuổi, các thành viên chia sẻ, thường gặp trường hợp sử dụng AI để tạo video call giả mạo khuôn mặt con cháu để gọi bố mẹ nói rằng đang ở bệnh viện cần tiền đóng viện phí gấp, hoảng quá nên cố gắng xoay xở tiền chuyển gấp theo hướng dẫn.

Trăn trở khi những người cao tuổi có ít thông tin, thiếu kỹ năng để tự bảo vệ mình trước những đối tượng lừa đảo trực tuyến, anh Khoa luôn cố gắng cập nhật thông tin, phương pháp, thủ đoạn lừa đảo trên mạng và chỉ dẫn cách chọn lọc, phân biệt tin thật giả. “Thời gian đầu, các ông bà chưa phân biệt được thông tin giả, tôi vẫn kiên trì hướng dẫn giúp chọn lọc tin thật và giả, luôn nhắc các cuộc gọi mạo danh để ông bà không bị lừa”, anh Khoa kể.

Theo chị Nguyễn Tiên Trinh, Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh), lớp học được thiết kế dành riêng cho những người cao tuổi, giúp họ tiếp cận và sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ, qua đó tăng cường kết nối và giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày.

Nhu cầu của người lớn tuổi rất nhiều, công nghệ rất cần thiết đối với người lớn tuổi nên những người trẻ phải thật sự thấu cảm và sẻ chia. Với anh Khoa và các tình nguyện viên, sự kiên nhẫn hỗ trợ, đồng hành của cộng đồng nhất là những người am hiểu về công nghệ giúp người lớn tuổi vượt qua những tự ti ban đầu và tự tin hơn trong việc tận dụng những lợi ích từ công nghệ số trong cuộc sống hằng ngày.

Theo Ngọc Hoa - Nguyễn Nga (CANDO)

Có thể bạn quan tâm