Xã hội

Gia đình

Yêu thương người già

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Vạn vật đều thay đổi theo thời gian. Người ta sinh ra, lớn lên rồi già đi là quy luật tất yếu. Nhưng tuổi già cùng với sự suy giảm về sức khỏe không khỏi khiến người ta lo lắng.

Mỗi sáng trên đường đi chợ, tôi thường thấy một ông lão khoảng 80 tuổi ngồi trên một chiếc ghế đặt trước cổng nhà, ánh mắt nhìn xa xăm. Hình ảnh ông làm tôi nhớ đến những người già xung quanh mình. Dù có những hoàn cảnh sống khác nhau, tuổi già cùng với thời gian đã lấy đi của nhiều người cơ hội được sống vui, sống khỏe, được làm những điều mình mong muốn.

Ai rồi cũng đến lúc thấy mình bất lực với nhiều thứ. Chân yếu, mắt mờ, tai nghễnh ngãng làm người già gặp khó khăn khi kết nối với xã hội. Cuộc sống của người già đôi khi chỉ quanh quẩn trong nhà hoặc loanh quanh khu vực hàng xóm dần dà sẽ khiến họ có cảm giác tù túng. Người ở quê thì cuộc sống giản đơn hơn, lại gần con cái, bà con hàng xóm nhiều nên sự hụt hẫng của tuổi già có thể không nhiều bằng những người phải theo con ra thành phố. Những người đã từng tham gia công tác xã hội, có nhiều quan hệ công việc thì sẽ có cảm giác người ta đã quên lãng, bỏ rơi mình, không còn có nhiều sự quan tâm như khi còn làm việc. Tuổi già lại hay nghĩ ngợi nên không tránh khỏi sự tủi thân và buồn lòng.

Họ đã từng trải qua thời tuổi trẻ mạnh mẽ xốc vác, thời trung niên làm trụ cột gia đình nuôi dạy con cái trưởng thành. Họ đã là những người có tiếng nói quyết định trong gia đình và nơi làm việc. Rồi con cái lớn lên, có thể làm chủ cuộc sống của mình, vai trò của họ đã có những thay đổi. Có những điều họ muốn biết nhưng không dám hỏi vì sợ mất thời gian của con cái. Họ muốn giúp con cái nhưng lại sợ làm phiền. Tâm lý sợ làm phiền khiến họ thu mình, ít chia sẻ với con cái về những khó khăn của mình. Con cháu nhiều khi vì bận học, bận làm mà có thể không kiên nhẫn với ông bà, cha mẹ, làm người già càng thấy cô đơn hơn.

Người già thường nhớ về quá khứ. Một quãng đời đáng sống nhất đã đi qua cùng với bao lần chia tay với bao người thân yêu đã để lại trong lòng người già những nỗi buồn thương. Những kỷ niệm thời thơ ấu và thời hoa niên tươi đẹp đã không còn người để chia sẻ tâm tình khi những người đồng trang lứa, những người đã từng lớn lên cùng nhau không còn nữa. Nỗi cô đơn còn lớn hơn với những người đã mất đi một nửa yêu thương. Sinh thời, ba má tôi vẫn thường chuyện trò với nhau, kể cho nhau những câu chuyện thời họ còn trẻ, ở quê. Những câu chuyện về quê hương, về một thời tuổi trẻ đã giúp ông bà sống lại một thời sôi nổi và vui khi còn có người lắng nghe và thấu hiểu. Nhưng rồi, bệnh tật đã đưa má đi trước. Ba đã rất buồn và cô đơn, khoảng trống ấy con cháu dù thương yêu cũng không thể lấp đầy được.

Con người được sinh ra và lớn lên trong cộng đồng. Và lẽ tự nhiên, ai cũng muốn có người để chia sẻ vui buồn, ai cũng sợ cô đơn. Tuổi đời càng cao, những mối quan hệ càng bị thu hẹp, nỗi lo sợ càng tăng thêm. Hiện nay, xã hội đã dành nhiều sự quan tâm cho người cao tuổi. Những hội nhóm, câu lạc bộ được lập ra giúp người già có nhiều cơ hội hơn để giao lưu, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần.

Tôn trọng người cao tuổi là đạo lý và là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Những gia đình tam, tứ đại đồng đường luôn là niềm tự hào của các thành viên. Trong những gia đình ấy, người cao tuổi được sống quây quần cùng con cháu, được con cháu chăm sóc. Ra khỏi gia đình là họ hàng, làng xóm, người già vì vậy vẫn giữ được sự gắn kết chặt chẽ với cộng đồng. Vậy nên, chăm sóc, yêu thương người cao tuổi luôn là sự cần thiết vì sau những năm tháng dài cống hiến cho cuộc đời, các cụ xứng đáng nhận được sự quan tâm đúng mực của tất cả chúng ta.

Có thể bạn quan tâm