Sống trẻ - Sống đẹp

Khi người trẻ... hoài cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giữa thanh âm xô bồ, hối hả của cuộc sống hiện đại, không ít người trẻ lại có xu hướng tìm về với những điều được cho là xưa cũ để được tận hưởng niềm vui trong thế giới hoài cổ.
1. Cách đây tròn 10 năm, tôi được nhận vào làm việc tại một công ty truyền thông ở TP. Hồ Chí Minh. Sếp tôi khi đó là một doanh nhân mới ngoài 30, song có phong thái và lối sống đĩnh đạc, già dặn. Vì thế, cánh nhân viên chúng tôi hay trêu anh là “bố trẻ”, còn anh cũng chẳng ngại cười xòa hưởng ứng lại “các con ơi” như với cậu con trai 4 tuổi của mình. 
Ngày mới đến công ty, tôi khá bất ngờ khi đặt chân vào phòng làm việc của anh. Gian phòng không quá lớn nhưng được bài trí khoa học và thu hút. Đáng chú ý, phần lớn những vật dụng trang trí đều là “đồ cổ” của các nước trên thế giới mà anh đã cất công sưu tầm. Trên chiếc bàn tiếp khách bằng gỗ, anh đặt bộ ấm trà bằng gốm màu nâu trầm. Cạnh đó là mô hình non bộ thu nhỏ đẹp mắt với tiếng nước róc rách chảy. Giai điệu không lời du dương từ chiếc máy đĩa than nơi giá sách, hòa với hương trầm nụ thơm ấm tỏa khắp căn phòng khiến lòng người trở nên nhẹ nhàng và thư thái đến lạ. 
Một góc không gian cà phê pha trộn giữa xu hướng cổ điển và hiện đại thu hút nhiều bạn trẻ. Ảnh: Mộc Trà
Một góc không gian cà phê pha trộn giữa xu hướng cổ điển và hiện đại thu hút nhiều bạn trẻ. Ảnh: Mộc Trà
Vợ anh cũng từng “bật mí” với tôi về “gia tài hoài cổ” khổng lồ của anh chị tại nhà. Những đồ vật nhuốm màu thời gian ấy có mặt từ phòng làm việc, phòng khách, phòng ngủ, thậm chí là góc bếp. Chị bảo: Trước khi yêu anh, chị là cô gái năng động, thích lối sống hiện đại nên chẳng mấy để ý đến những món đồ xưa cũ. Vậy nhưng, từ lúc quen rồi cưới anh, chị bỗng “nghiện” chúng lúc nào chẳng hay. Chị đã từng đồng hành cùng anh cả tháng ra Bắc vào Nam chỉ để tìm mua món đồ cổ yêu thích hoặc ngồi hàng giờ nghe anh nói về ý nghĩa, xuất xứ của một vật dụng nào đó. “Có bao giờ chị hỏi anh vì sao lại thích hoài cổ chưa?”-tôi thắc mắc. Chị mỉm cười đáp lời: “Rồi chứ! Anh bảo, đó không chỉ là đam mê mà còn là gìn giữ những giá trị văn hóa đang mai một dần giữa thời buổi công nghệ hiện đại. Anh muốn thế hệ các con và sau đó nữa sẽ hiểu được những gì mà ông bà chúng đã trải qua”.
Gắn bó với công ty và anh chị hơn 1 năm thì tôi trở về quê nhà làm việc. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau như những người thân trong gia đình. 10 năm trôi qua, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều đổi thay nhưng niềm yêu thích “quay ngược thời gian” của anh chị vẫn nguyên vẹn, thậm chí còn lan tỏa thêm cho nhiều người bởi ý nghĩa nhân văn mà nó mang lại.  
2. Lướt Facebook, Instagram... không khó để bắt gặp những “cửa hàng” thời trang second hand cổ điển với hàng ngàn người theo dõi. Vài năm trở lại đây, xu hướng vintage hay retro đã trở thành “mốt” thịnh hành trong giới trẻ. Những bộ trang phục mang hơi hướng từ những thập niên 30 đến 80 của thế kỷ trước đang làm mưa làm gió trong giới “chuộng đồ si” như một lời khẳng định chắc nịch: “Xưa nhưng chưa bao giờ hết thời”.
Có lẽ vì thế mà dù là hàng đã qua sử dụng nhưng giá cũng không hề rẻ. Thậm chí, có những món đồ giá lên tới gần chục triệu đồng và không thiếu người tranh mua. “Những trang phục này hầu hết đều thiết kế khá đơn giản song không kém phần tinh tế và sang trọng. Khi bạn khoác lên người một bộ đồ mang đậm nét cổ điển, nó không chỉ đơn thuần là trang phục mà còn mang ý nghĩa lịch sử. Bạn cũng có thể biến tấu, phối kết hợp các trang phục và phụ kiện cổ điển theo gu của riêng mình để thật sự nổi bật”-một nhân viên văn phòng tại TP. Pleiku hào hứng phân tích về phong cách thời trang mình đang theo đuổi. Chị này cũng “bật mí” thêm rằng, chị có một nhóm bạn ở khắp cả nước, vì yêu thời trang hoài cổ mà quen biết rồi trở nên thân thiết, hầu hết đều dưới 30 tuổi. Đáng quý là họ luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau khi có bất kỳ ai trong nhóm gặp khó khăn, dù rằng chưa từng một lần gặp mặt.
Vài năm trở lại đây, xu hướng thời trang vintage trở thành “mốt” của giới trẻ. Ảnh: Mộc Trà
Vài năm trở lại đây, xu hướng thời trang vintage trở thành “mốt” của giới trẻ. Ảnh: Mộc Trà
Tôi có một người bạn cùng lớp hiện là giáo viên Tiếng Anh ở thị xã An Khê. Cô ấy cũng đặc biệt đam mê với những trang phục second hand cổ điển. Ngoài giờ lên lớp, H. dành phần lớn thời gian cho việc sưu tầm và kinh doanh mặt hàng này. Chính niềm đam mê bất tận ấy đã giúp bạn tích lũy được nhiều kiến thức thú vị, mới mẻ về thời trang; đồng thời, còn tạo cơ hội giao lưu với những người có cùng sở thích ở trong nước lẫn nước ngoài. 
“Đáng nhớ nhất chính là vào năm 2020, H. lặn lội sang Bangkok lấy lô đầm vintage về bán. Ai dè bị lạc cả ngày ở thủ đô nước Thái, lại không có wifi vào Facebook thông báo tình hình với bên shop đặt hàng. Kết quả là bị shop nhắn những lời khó nghe và chặn luôn tài khoản vì nghĩ mình lừa đảo. Rất may được 1 chị bác sĩ người Thái, cũng là người từng bán hàng giúp đỡ, H. mới thành công mang được hàng về nhà. Chẳng những thế, chị còn đề nghị chụp ảnh và tặng H. một món quà làm kỷ niệm cho lần đầu gặp gỡ. Đến giờ, mỗi lần nghĩ lại, H. vẫn cảm thấy rất vui vì cái duyên mà thời trang cổ điển mang lại cho mình”-cô bạn chia sẻ.
...Cố học giả Nguyễn Trần Bạt nhận định: “Hoài cổ tức là con người yêu cuộc sống cũ của mình, yêu lịch sử của mình, yêu ấn tượng cũ của mình. Cái gọi là chủ nghĩa hoài cổ ấy cũng là một sản phẩm tinh thần của con người, họ đi tìm lại chính họ, tìm lại vẻ đẹp họ trót bỏ quên hoặc đang dần bị lãng quên”. Trên thực tế, mỗi câu chuyện luôn có nhiều góc nhìn khác nhau và điều chúng ta nên làm là hãy nhìn về hướng lạc quan và tích cực nhất. Những người trẻ chọn cách sống hoài cổ cũng thế. Họ hiểu rằng “phi cổ bất thành kim”, song không hẳn đắm chìm trong quá khứ mà vẫn có sự giao thoa với giá trị của hiện tại. Ấy mới là điều đáng trân quý!
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm