(GLO)- Năm 2018, hàng loạt ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được hiện thực hóa nhờ sự hỗ trợ của các cấp Hội. Tinh thần khởi nghiệp lan tỏa đã giúp nhiều chị em xóa bỏ rào cản về giới, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên làm giàu.
Từ những ý tưởng nhỏ
Nhiều ý tưởng khởi nghiệp từ ngành nghề truyền thống của phụ nữ đã được “tiếp sức” để biến thành hiện thực. Ảnh: N.B |
Là một phụ nữ thuộc thế hệ 9X, chị H'Tinh (làng Ia Lang, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có những hoài bão, khát khao về hạnh phúc, sự nghiệp. Tuy nhiên, chị nhận thấy, chỉ làm thuê kiếm sống từng ngày thì không biết khi nào cuộc sống mới thay đổi. H'Tinh kể, đầu năm 2018, lần đầu tiên, chị được tuyên truyền về Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và của Hội LHPN tỉnh. Không chỉ khuyến khích chị em mạnh dạn nói lên những sáng kiến, ý tưởng, Hội còn kết nối với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh giúp hội viên vay vốn thực hiện ý tưởng. Điều đó thổi bùng khát vọng khởi nghiệp ở H'Tinh. “Từ lâu, mình đã có ý tưởng thực hiện mô hình trồng rau sạch để cung cấp cho thị trường bởi ở làng mình nhiều người trồng rau nhưng mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết thành chuỗi sản xuất. Tuy vậy, mình cũng băn khoăn, bởi ý tưởng nhỏ sẽ khó được hỗ trợ vay vốn. Nhưng khi nghe mình trình bày ý tưởng, Hội LHPN thành phố đã giới thiệu và tín chấp để mình được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh thực hiện mô hình”-chị H'Tinh kể.
Từ chỗ trồng rau nhỏ lẻ, chị H'Tinh dùng số vốn vay được đầu tư bài bản hệ thống tưới, đặc biệt là hướng đến quy trình trồng rau sạch, rau an toàn. Chị chia sẻ: “Mình muốn hướng đến thương hiệu rau an toàn với giá cả cạnh tranh. Mình tính toán mùa nào thức nấy, trồng những loại rau phù hợp thổ nhưỡng, cho năng suất cao và được giá mới cho thu nhập ổn định, giúp cải thiện rõ rệt đời sống kinh tế. Như vậy, ý tưởng khởi nghiệp trồng rau sạch mới thực sự có kết quả”.
Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp do các cấp Hội Phụ nữ triển khai trong năm 2018 thực sự mở ra nhiều cơ hội cho nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động như mời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực... Hội LHPN các cấp còn tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm do chị em sản xuất. Đặc biệt, Hội đã tổ chức thành công ngày hội phụ nữ khởi nghiệp, thu nhận hơn 400 ý tưởng, kế hoạch kinh doanh, trong đó có 182 ý tưởng được hỗ trợ số vốn trên 9 tỷ đồng.
Phụ nữ đang là lực lượng lao động tham gia vào mọi ngành nghề, lĩnh vực và là tiềm lực khởi nghiệp rất lớn của xã hội. Tinh thần khởi nghiệp bắt đầu bằng chính ước mơ, khát vọng, ý tưởng nhỏ và nếu được khuyến khích, hỗ trợ sẽ thành ý tưởng lớn, ích lợi cho cộng đồng.
Chọn nghề gắn với yêu cầu của thị trường
Phụ nữ khởi nghiệp từ nghề truyền thống mong muốn được hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc |
Ý tưởng khởi nghiệp không chỉ khẳng định khát vọng của phụ nữ mà còn truyền cảm hứng cho rất nhiều chị em đang ấp ủ những dự định, trăn trở nhưng chưa mạnh dạn nói ra. Trên tinh thần đó, mới đây, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức “Diễn đàn phụ nữ khởi nghiệp” tạo cơ hội để mọi người chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp. Đây còn là cơ hội để chị em được giải tỏa thắc mắc, băn khoăn về cơ chế, chính sách và bày tỏ mong muốn đến các cấp, các ngành liên quan về vấn đề khởi nghiệp.
Tại diễn đàn, nhiều câu hỏi, mong muốn, nhất là vấn đề đầu ra cho sản phẩm truyền thống đã được đặt ra. “Trên địa bàn huyện có mô hình làm men rượu truyền thống, câu lạc bộ dệt thổ cẩm của phụ nữ. Tuy nhiên, tìm thị trường để tiêu thụ sản phẩm rất khó. Nguyên nhân là việc điều hành các mô hình còn nhiều bất cập, kỹ năng hạn chế, nắm bắt thông tin chưa kịp thời, chưa có sự kết nối với thị trường… Các cơ quan chức năng có giải pháp nào hỗ trợ để tìm đầu ra cho sản phẩm của phụ nữ?”-chị Đinh Thị Ngọc Minh-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đak Đoa nêu vấn đề. Đây cũng là trăn trở của chị Đinh Thị Vân Anh (thị trấn Kbang, huyện Kbang): “Trên địa bàn huyện có rất nhiều sản phẩm do phụ nữ làm ra như bí đao sấy, măng khô, chè dây, men rượu, mật nhân… nhưng đang gặp khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm, thương hiệu cho sản phẩm. Vậy cần đến cơ quan nào để đăng ký, hồ sơ thủ tục, kinh phí như thế nào?”.
Băn khoăn của chị Trần Thị Giơn (huyện Chư Pah) cũng là vấn đề được nhiều phụ nữ quan tâm: “Được tuyên truyền, giới thiệu Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tôi có ý tưởng khởi nghiệp từ nghề trồng nấm. Tôi muốn biết tỉnh có những chính sách gì hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp?”. Đặc biệt, những thách thức khi khởi nghiệp đối với phụ nữ trong thời đại 4.0 được nhiều chị em quan tâm. “Hiện nay, Ia Pa gặp khó khăn trong áp dụng mô hình nông nghiệp 4.0 do tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa. Đề nghị các sở, ngành hỗ trợ để phụ nữ nông thôn tìm kiếm thị trường, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tiếp cận chính sách ưu đãi, thủ tục để tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm”-chị Nguyễn Thị Liên-Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Tân (huyện Ia Pa, Gia Lai) kiến nghị. Hay đề xuất của chị Phạm Thị Thúy (huyện Đak Pơ): “Để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Trung ương Hội có giải pháp gì giúp công tác Hội được thuận lợi và hội viên phụ nữ tiếp cận công nghệ thông tin, nhất là thông tin hỗ trợ khởi nghiệp?”.
Những băn khoăn, trăn trở, đặc biệt là những thách thức trong khởi nghiệp của phụ nữ trong tình hình hiện nay đã được đại diện các sở, ngành, địa phương giải đáp trực tiếp tại diễn đàn. Đi kèm theo đó là thông tin thêm về các văn bản, chính sách của Nhà nước để phụ nữ yên tâm khởi nghiệp, biến ý tưởng thành hiện thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Chia sẻ với chị em phụ nữ về những cơ hội và thách thức khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0, bà Hồ Thị Quý-Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (Trung ương Hội LHPN Việt Nam) cho rằng: “Tỉnh Gia Lai đã có những chính sách, hoạt động hỗ trợ kịp thời để triển khai đề án. Tuy nhiên, ngoài những việc đã làm, cần có nhiều đề án hơn nữa của phụ nữ vì tiềm lực này ở chị em là rất lớn. Hội Phụ nữ cấp xã, cấp huyện là nơi triển khai trực tiếp, cần tăng cường hơn nữa hoạt động hỗ trợ phụ nữ. Có như vậy nhiều chị em mới được hưởng lợi từ đề án này”.
Bà Quý cũng cho rằng, chị em phải mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ, học hỏi để tạo ra những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mới, mang lại lợi ích cho gia đình và cộng đồng. “Chị em khởi nghiệp cần biết xu hướng mới, chuyển dịch những ngành nghề theo nhu cầu thị trường, đặc biệt phải áp dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh thì mới có cơ hội thành công”-bà Quý nhấn mạnh.
Nguyên Bình