Xã hội

Gia đình

Khi ta có niềm tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi gặp người đàn ông ấy vào một buổi sáng tình cờ, trong một lớp tập luyện thể lực dành cho những đứa trẻ đặc biệt. Và câu chuyện của anh đủ sức khiến người ta tin rằng cuộc sống có những điều thật kỳ diệu. Chỉ cần ta có niềm tin. 
“Con trai tôi từng là cậu bé đặc biệt-anh nói-Vì nó, tôi tưởng như mình bị ách lại. Cảm giác bị ách lại giữa cuộc sống nó khó chịu gấp vạn lần khi bạn bị ách lại giữa một đám đông tắc đường nào đó.
Một hôm, thằng bé đi học về, mặt cúi gằm xuống, bực dọc. Nó nói:
-Con không đi học nữa đâu ba.
-Tại sao?
-Không đi học là không đi học-Nó vùng vằng giận dữ và đóng sầm cửa.
Đó là năm nó 8 tuổi.
Ảnh internet
Ảnh internet
Nó tâm sự với em gái-con bé nhỏ xíu chưa hiểu chuyện-rằng anh Hai bị bạn bè bo xì, không chơi vì học ngu. Lên lớp không hiểu gì hết. Cũng chẳng nói chuyện được với các bạn vì anh Hai nói chẳng ai hiểu.
Tôi hiểu rằng nó đang bị cô lập. Lòng quặn lại vì thương con. Hành động nhanh nhảu đầu tiên của tôi là chuẩn bị phong bì hậu hĩnh để đưa cho các thầy cô, bảo mẫu, mua bánh kẹo và đồ chơi cho các bạn lớp nó. Nhưng nghĩ lại, tôi hiểu rằng mình làm vậy chỉ giải quyết được đằng ngọn thôi. Bản chất vấn đề không thay đổi. Thằng con vẫn đòi bỏ học. Đám bạn nó không nói con ngu nữa nhưng ánh mắt trẻ con thì không biết nói dối, vẫn thể hiện sự xem thường.
Tôi thu xếp tất cả công việc của mình lại, qua Singapore để học về những chứng bệnh tâm lý trẻ em. Một khóa học kéo dài 6 tháng và những năm sau đó là thời gian đọc sách, tham khảo từ các chuyên gia, bác sĩ…
Tôi nói với con rằng, các bạn con nói sai rồi. Con không học được toán ở trường là do thầy cô dạy không phù hợp với cách học của con. Con trai tôi thích học về hình ảnh và đặc biệt khó khăn với việc tiếp nhận những chữ, số trên chiếc bảng chỉ 2 màu đen trắng đơn điệu, vì vậy tôi phải tự học làm những clip về học toán, học chữ đủ màu như bảy sắc cầu vồng. Những chữ, số còn phải biết nhún nhảy, biết khóc biết cười như nó và kèm theo những giai điệu nó thích. 3 năm sau, con tôi đã có thể đọc, làm toán cộng-trừ-nhân-chia cơ bản. Suốt 3 năm ấy, có những ngày tôi chỉ ngủ 3-4 tiếng.
Nếu tôi cứ để mặc kệ con trong xã hội, nó sẽ là con của xã hội. Khi tôi ôm nó để uốn theo cách của mình, tôi tin nó sẽ là con của mình, có thể phát triển theo kỳ vọng của mình dù mức độ phát triển của mỗi đứa trẻ là khác nhau. Đứa trẻ của tôi chậm phát triển, không sao cả, điều đó chỉ nói lên rằng cả tôi và nó phải nỗ lực hơn những đứa trẻ phát triển bình thường mà thôi.
Những đứa trẻ bị tổn thương thực ra rất nhạy cảm, nhưng phụ huynh có khi lại lờ đi việc này. Nó luôn hỏi tôi rằng: “Thiệt không ba?” khi tôi bảo các bạn sai, con đúng. Việc này chỉ đơn giản là truyền cho con sức mạnh từ niềm tin và niềm vui. Khi con chưa có năng lực gì cả thì thứ ít nhất phải có là niềm tin và niềm vui. Để giải quyết vấn đề này không dễ. Con thích một món ăn nào đó ngoài quán, khi nó khen, tôi bảo: “Được, ba sẽ nấu cho con ăn món này thật ngon”. Ngay lập tức tôi phải học nấu bằng được món ăn đó, nấu sao cho vừa miệng để nó cảm nhận ngon hơn ở quán. Có thể món ăn chưa chắc đã ngon hơn nhưng ở nhà rộng rãi, mát mẻ, có chút nhạc sẽ dễ khiến con hài lòng hơn. Bao nhiêu năm trước đó tôi không nấu nướng. Không sao cả. Với người đang dừng lại mọi việc bên ngoài xã hội sẽ có nhiều thời gian để thu xếp hơn tất cả những người đang hối hả tiến bước.
Khi ông trời trao cho các bậc phụ huynh một đứa trẻ đặc biệt là lúc muốn thử thách bản lĩnh và sự kiên trì; hẳn ông ấy không muốn nghe những tiếng than thân trách phận mà muốn nhìn thấy sự nỗ lực. Yêu con thì ai cũng yêu, nhưng chỉ những ông bố bà mẹ nào có thể trở thành chuyên gia thì mới có thể dẫn con mình vượt lên.
Đến một ngày, tôi nhận ra, từ lâu lắm mình đã đứng lại trong công việc, còn bạn bè đã trở thành ông này bà nọ. Thời điểm tôi dừng lại mọi việc, người ta gọi tôi là chuyên gia trong ngành của mình. Giờ thì chẳng còn ai gọi tôi như vậy nữa sau gần 10 năm gần như giẫm chân tại chỗ. Không sao hết, tôi thấy hạnh phúc khi mình chậm lại, còn con thì đã vượt lên.
Bây giờ con trai tôi đã 16 tuổi rồi, nó không giỏi toàn diện (tôi tin chẳng ai giỏi toàn diện được cả) nhưng có khá nhiều kết quả dẫn đầu lớp, như về tiếng Anh và bơi lội. Vừa rồi, nó còn đạt giải nhất trong cuộc thi ẩm thực ở trường khi nấu vài món ăn do tôi dạy. Tôi là người cha hạnh phúc”.
Câu chuyện hạnh phúc của người cha ấy cứ lan tỏa trong tôi, một người mẹ đôi khi cũng than trách vì thấy mình bị ách lại giữa cuộc sống này. Trên vòm phi lao, nắng mật ong đổ dài từng vệt và những tiếng chim xôn xao, xôn xao.
VÕ THU HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm