Thời sự - Bình luận

Khi xe vi phạm được đấu với giá sắt vụn, đồng nát

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhìn những chiếc xe máy chằng chịt dây leo, hoặc ngập trong bụi, hoặc được “đánh đống” mới thấy cái giá khởi điểm bình quân 500.000 đồng/xe máy vẫn là... quá đắt.
Hình ảnh xót xa từ một bãi xe vi phạm ở TP HCM. Ảnh: Minh Quân

Hình ảnh xót xa từ một bãi xe vi phạm ở TP HCM. Ảnh: Minh Quân

Câu chuyện lô 954 xe vi phạm được mang đấu giá, với giá khởi điểm chỉ 479 triệu đồng đang gây sốc dư luận.

Sốc, bởi giá khởi điểm nếu tính bình quân chỉ chưa tới 500.000 đồng/chiếc. Một tờ báo tính toán: Một chiếc xe tạm giữ có trọng lượng trung bình 90-100kg, giá 500.000 đồng/xe máy thì bình quân chỉ 5.000 đồng/kg. Trong khi đó tham khảo bảng giá tại một số tổ chức thu mua phế liệu thì sắt vụn có giá dao động hơn 15.000 đồng/kg. Tính ra, giá khởi điểm của lô xe máy này còn thấp hơn giá sắt vụn.

Nhưng ngay cả với những cái giá đồng nát sắt vụn ấy, lô xe được mang đấu giá 2 lần thì cả 2 lần đơn vị đấu giá đều “bỏ của chạy lấy người” khi bỏ cọc, không đến nhận tài sản.

Sốc, còn vì những hình ảnh bãi xe tang vật, xếp điệp trùng dưới mưa, dưới nắng, hoặc hoang phế, rỉ sét, hoặc ngập bụi, hoặc chằng chịt dây leo cỏ dại, hoặc thậm chí “đánh đống”.

Nguyên do không có gì đao to búa lớn cả: Chủ sở hữu của những chiếc xe tự chế, xe đồng nát, xe không giấy tờ - khi bị cơ quan chức năng giữ là bỏ xe luôn. Xe giá trị thấp, bị phạt cao, chẳng hạn với lỗi nồng độ cồn theo nghị định 100: Cũng bỏ xe.

Trong khi đó, thủ tục xử lý một chiếc xe vi phạm cực kỳ phức tạp và nhiêu khê: Sau thời hạn tạm giữ 30 ngày, cơ quan chức năng phải ra thông báo 2 lần trên các phương tiện truyền thông để xác minh chủ sở hữu. Hết thời hạn 1 năm, mới có thể ra quyết định tịch thu. Rồi phải lập hội đồng gồm nhiều sở ban ngành để định giá. Định giá xong mới đấu giá, phát mãi phương tiện.

Tính ra, để xử lý một chiếc xe, phải mất đến 2 năm. Trong khi kho bãi thì có hạn. Trong khi việc trông giữ thì cần có tiền. Và trong khi phải đối mặt với rủi ro mà vụ cháy bãi xe tang vật năm ngoái là một ví dụ.

Đang có những đề xuất là cần rút ngắn quy trình xử lý xe tang vật. Chẳng hạn xuống chỉ còn 2-3 tháng, thay vì 2 năm.

Công an TPHCM cũng đã chỉ đạo các đơn vị áp dụng biện pháp tạm giữ giấy tờ, đặt tiền, tài sản để đảm bảo quyết định xử phạt vi phạm hành chính thay cho việc giữ phương tiện.

Đó là một hướng xử lý đúng, từ thực tế, và cần sửa đổi trong các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, để hạn chế tối đa việc giữ phương tiện.

Giữ xe đâu phải là biện pháp duy nhất, lại đang là biện pháp gây lãng phí rất lớn đến của cải vật chất xã hội.

Có thể bạn quan tâm