Bạn đọc

Khổ vì camera giám sát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Camera giám sát ngày càng trở nên quen thuộc với cuộc sống. Sự tiện ích của thiết bị này khiến cho chúng xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ gia đình đến trường học. Tuy nhiên, sự lạm dụng của người dùng lại biến camera trở thành công cụ giám sát, tạo nên những áp lực không đáng có.

Mặc dù còn đến gần 6 tháng nữa con của chị bạn tôi mới bắt đầu học mẫu giáo nhưng chị đã tìm hiểu xem trường nào có lắp camera trong lớp, kết nối trực tuyến với phụ huynh thì sẽ “chọn mặt gửi vàng”. Lý do chị chọn trường có lắp camera kết nối trực tuyến với phụ huynh cũng xuất phát từ tâm lý lo lắng và muốn quan sát con ở trong môi trường mới giúp chị yên tâm hơn.

Qua trò chuyện với một số phụ huynh đã gửi con ở trường học có lắp camera kết nối trực tuyến, nhiều người cho hay, khi con đi học thì đa phần thời gian là ngồi cầm điện thoại để “canh” xem con mình đang làm gì ở trên lớp. Nhiều người còn mải miết “giám sát” từng việc làm nhỏ của con cũng như của cô giáo như một chiếc camera thứ thiệt.

Nhiều giáo viên mầm non cho rằng, họ không thể nào thoải mái trước camera giám sát lắp đặt trong lớp bởi cảm giác lúc nào cũng đang bị theo dõi. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, việc kết nối trực tuyến camera để phụ huynh theo dõi trực tiếp là hành vi xâm phạm nhân quyền, gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư của những học sinh khác cũng như của giáo viên.

Camera giám sát cũng ngày càng phổ biến trong mỗi gia đình. Không thể phủ nhận sự tiện ích của thiết bị này trong việc giám sát, bảo vệ tài sản, đảm bảo an ninh. Con cái đi làm ăn xa, qua chiếc camera cũng cảm thấy như được ở gần cha mẹ. Cha mẹ khi đi làm cũng có thể biết được những hoạt động của con cái ở nhà. Thế nhưng, sự giám sát quá mức đôi khi khiến thành viên trong gia đình thiếu đi sự thoải mái.

Những chiếc camera ngày càng hiện đại, xoay 360 độ hay cảm biến theo chuyển động cũng làm mọi người thêm áp lực, khi mà nhất cử nhất động đều được ghi lại. Thực tế đã có nhiều trường hợp trẻ chống đối, thậm chí tự làm mình bị thương khi cha mẹ lắp camera giám sát ngay trong phòng ngủ.

Không chỉ vậy, việc lắp camera trong nhà như con dao 2 lưỡi nếu gia chủ không thực sự rành công nghệ. Để sử dụng thiết bị này, hầu hết gia đình đều thuê một đơn vị khác đến lắp đặt. Điều này vô tình để lộ mật khẩu đăng nhập. Đồng thời, thiết bị quan sát này sử dụng mạng internet nên cũng dễ dàng bị đánh cắp thông tin và bị kẻ xấu lợi dụng để thực hiện hành vi bất chính.

Suy cho cùng, camera là công cụ phục vụ, đem lại sự tiện ích, góp phần bảo vệ cuộc sống. Song việc sử dụng chúng cũng cần có chừng mực nhất định. Giữa phụ huynh và nhà trường cần có sự tin tưởng, có thỏa thuận chung trong việc tiếp nhận, chăm sóc và giáo dục trẻ. Giữa các thành viên trong gia đình thì cần có sự tôn trọng không gian riêng của nhau.

Hơn hết, mỗi người sử dụng camera giám sát phải luôn thận trọng, tỉnh táo, kiểm tra kỹ càng các thông tin bảo mật cũng như chọn nơi lắp đặt phù hợp, uy tín nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.

Có thể bạn quan tâm