Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Khoa học-công nghệ là giải pháp phát triển vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, các công trình khoa học công nghệ phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn phong phú của đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng miền trong cả nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Lấy bản sắc văn hóa, tri thức cộng đồng, truyền thống của các dân tộc thiểu số làm nền tảng; phát triển kinh tế-xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh làm mục tiêu; khoa học và công nghệ là giải pháp.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia về dân tộc, do Ủy ban Dân tộc và Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Hà Nội, ngày 14/7.
Nhiều mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả
Theo báo cáo tại hội nghị, Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia về dân tộc bắt đầu triển khai từ năm 2015 với mục tiêu cung cấp luận cứ khoa học nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến dân tộc thiểu số, từ đó thực hiện đổi mới chính sách dân tộc đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tính đến nay, đã có tổng số 51 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia được triển khai thực hiện. Tổng kinh phí triển khai thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia là 176,1 tỷ đồng.
Giai đoạn 2016-2020, chương trình đã xây dựng được 2.324 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả, quy mô phù hợp với điều kiện sinh thái cho 34 tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong số đó, thực hiện được 30 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; 14 mô hình ứng dụng công nghệ thông tin; 27 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hỗ trợ tạo việc làm cho trên 2.000 lao động thường xuyên và 5.000 lao động thời vụ, tạo sinh kế cho đồng bào; đã chuyển giao được 1.106 lượt công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ đào tạo trên 1.000 cán bộ quản lý khoa học và công nghệ, 2.484 cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên cơ sở; tập huấn cho 45.328 lượt nông dân các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi...
Đã có tổng số 205 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học có uy tín của quốc gia; 72 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong đó có 23 bài báo khoa học nằm trong danh mục ISI, SCOPUS; xuất bản hơn 50 đầu sách; hỗ trợ đào tạo cho trên 80 nghiên cứu sinh và 150 thạc sỹ.
Khoa học và công nghệ là giải pháp
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ủy ban Dân tộc, Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan liên quan trong công tác quản lý cũng như sự tâm huyết và đầy trách nhiệm của các tổ chức, nhà khoa học tham gia chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học của Chương trình. Thành tích này sẽ là cơ sở, là tiền đề để hướng đến thực hiện Chương trình thành công hơn nữa trong giai đoạn 2021-2025.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, đây là vấn đề lớn, quan trọng góp phần vào thực hiện thành công Nghị quyết số 88/NQ-QH14 của Quốc hội về phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết này của Quốc hội.
“Việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ta là vấn đề chiến lược, sống còn, chìa khóa đi đến thành công. Chính sách dân tộc để nâng cao dân trí, giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp, cùng tiến bộ, hướng đến mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đất nước ta ngày càng giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh," Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Muốn vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải đào tạo nguồn lực tri thức trẻ, doanh nghiệp trẻ, sáng tạo và khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ đồng bào có kỹ năng, phương thức làm ăn mới hiệu quả để cùng với các chính sách quan trọng, toàn diện của Đảng và Nhà nước nhằm đưa đồng bào dân tộc và miền núi từng bước tiến kịp miền xuôi, đời sống ngày càng ấm no, quốc phòng an ninh được giữ vững, biên giới trở thành khu vực hòa bình, phát triển, chủ quyền quốc gia luôn được bảo đảm…
Phó Thủ tướng Thường trực cho biết thực tế làm việc tại các địa phương cho thấy nhiều địa phương như Sơn La đồng bào đã biết áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống như trồng nhiều loại cây cho năng suất, chất lượng, giá trị cao. Tuy nhiên, nhiều nơi, đồng bào các dân tộc vẫn còn tỷ lệ đói nghèo cao, ít có điều kiện thích nghi với khoa học công nghệ hiện đại.
“Chúng ta cứ nói kinh tế số, dữ liệu số, ngân hàng số… đều rất chung chung với đồng bào. Phải biến những điều này đi vào thực tế cuộc sống của đồng bào, biến thành hiệu quả và tác dụng tích cực trong cuộc sống, lúc ấy bà con mới thấy rõ tác động của khoa học công nghệ đối với đời sống. Như thế, chính sách và các nghiên cứu khoa học công nghệ mới thực sự đi vào đời sống," Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ phải gắn với thực tiễn và đòi hỏi của cuộc sống. Các công trình khoa học công nghệ phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn phong phú của đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng miền trong cả nước. Có như vậy, các công trình khoa học công nghệ mới đi vào cuộc sống, phát huy tích cực các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh phải tiếp tục nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn chưa được nghiên cứu, giải quyết triệt để trong giai đoạn 2016-2020 và các giai đoạn trước đó; trong đó chú trọng vào một số nội dung có tính căn cơ, khung lý thuyết như cơ sở lý luận, thực tiễn về nguồn gốc hình thành, phát triển và tiêu chí xác định thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam; tầm quan trọng, vai trò và công tác hoạch định chính sách dân tộc trong tình hình mới.
Nghiên cứu các mô hình thí điểm tại một số địa bàn mẫu để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án phù hợp với đặc thù của vùng đồng bào, các dân tộc thiểu số và từng vùng, miền.
Theo Phó Thủ tướng, cần chú trọng nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm vào các mô hình kinh tế, phát minh, sáng chế có tính thực tiễn, kinh phí phù hợp với yêu cầu và tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân tộc thiểu số và vùng, miền, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững theo quy mô cấp cộng đồng trên nguyên tắc: "lấy bản sắc văn hóa, tri thức cộng đồng, truyền thống của các dân tộc thiểu số làm nền tảng; phát triển kinh tế-xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh làm mục tiêu; khoa học và công nghệ là giải pháp."
Các cơ quan chức năng có các giải pháp hỗ trợ, truyền thông phù hợp để nâng cao nhận thức, tinh thần tự lực, tự cường và tiềm năng của đồng bào dân tộc thiểu số trong nghiên cứu khoa học công nghệ, phát minh, khởi nghiệp sáng tạo, tự làm giàu cho bản thân, gia đình, thôn bản và xã hội.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ Khoa học và Công nghệ, giai đoạn 2021-2025.
Xuân Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm