Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Khởi công tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Hà Nội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sáng ngày 25-9 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ấn nút phát lệnh khởi công gói thầu số 4, thuộc tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn- ga Hà Nội.

Đây là tuyến đường sắt đầu tiên được khởi công xây dựng trong 5 tuyến đường sắt đô thị đã được phê duyệt tại Hà Nội.

Dự án bao gồm trạm bảo dưỡng sữa chữa depot và đường dẫn, cầu cạn, ga trên cao, đường ngầm, ga ngầm, các công trình đồng bộ, thiết bị (đầu máy, toa xe, cấp điện, thông tin, giám sát điều hành), hệ thống đường ray, hệ thống bán vé.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu ấn nút phát lệnh khởi công
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu ấn nút phát lệnh khởi công
Tuyến đường sắt này đi qua các quận, huyện Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, theo lộ trình: Điểm đầu tại Nhổn- Cầu Diễn- Mai Dịch- Nút giao đường vành đai 3- Cầu Giấy- Kim Mã- Giảng Võ- Cát Linh- Quốc Tử Giám- điểm cuối Ga Hà Nội.

Chiều dài toàn tuyến khoảng 12,5km, trong đó đoạn đi trên cao khoảng 8,5km (từ Nhổn đến công viên Thủ Lệ) và đoạn ngầm khoảng 4km (từ công viên Thủ Lệ đến ga Hà Nội). Có tổng số 12 ga (8 ga cao, 4 ga ngầm). Khu depot và trung tâm bảo dưỡng đặt tại xã Tây Tựu và xã Minh Khai (huyện Từ Liêm).

Tuyến đường sắt số 3 gồm 9 gói thầu xây dựng và thiết bị: Tuyến trên cao; các ga trên cao; hầm và các ga ngầm; công trình hạ tầng kỹ thuật depot; công trình kiến trúc depot; hệ thống đường sắt 1 (đầu máy toa xe, tín hiệu, trung tâm điều hành, thông tin, phân xưởng, cấp điện); hệ thống đường sắt 2 (thiết bị cơ điện); hệ thống đường sắt 3 (ray, tà vẹt...

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 783 triệu Euro (hơn 18 nghìn tỷ đồng), được huy động từ các nguồn vay của Chính phủ Pháp, cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng châu Á (ADB), Ngân hàng đầu tư Châu Âu (EIB) và nguồn vốn đối ứng trong nước. Dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2015. Năng lực vận chuyển toàn tuyến dự kiến hơn 300 nghìn lượt hành khách/ngày.

5 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội trong tương lai

* Tuyến số 1 (Ngọc Hồi- Yên Viên- Như Quỳnh) phục vụ các khu vực ngoại thành phía đông bắc và nam Hà Nội đi qua trung tâm thành phố.

* Tuyến số 2 (Nội Bài- trung tâm thành phố- Thượng Đình) là xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai.

* Tuyến số 3 (Nhổn- ga Hà Nội- Hoàng Mai) nối khu vực phía tây với trung tâm thành phố và phía nam.

* Tuyến số 4 (Đông Anh- Sài Đồng- Vĩnh Tuy- Thanh Xuân- Từ Liêm - Thượng Cát- Mê Linh) dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, 2, 3 và 5, đa dạng hóa nhu cầu giao thông và gắn kết với các dự án phát triển đô thị.

* Tuyến số 5 (Nam Hồ Tây- Ngọc Khánh- Láng- Hòa Lạc) có chức năng kết nối trung tâm thành phố với các đô thị dọc hành lang Láng- Hòa Lạc, với chiều dài là 34,5km.

Ngoài ra, để hỗ trợ các tuyến đường sắt, tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hành khách, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng thêm các tuyến xe buýt ưu tiên gồm: tuyến 1 Ba La- Kim Mã, tuyến 2 Vĩnh Quỳnh- Hàng Bài.

Theo Tuoitre

Có thể bạn quan tâm