Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Khởi nghiệp phải thay đổi để thích ứng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong nguy có cơ là những gì mà những bạn trẻ khởi nghiệp đã lèo lái doanh nghiệp còn non trẻ của mình vượt qua đại dịch.

Đăng Khoa (thứ 2 từ trái sang) nhờ tận dụng thời cơ nên việc khởi nghiệp có bước chuyển mình - ẢNH: NVCC
Đăng Khoa (thứ 2 từ trái sang) nhờ tận dụng thời cơ nên việc khởi nghiệp có bước chuyển mình - ẢNH: NVCC


Phát triển thêm mảng, tuyển thêm nhân sự

Vừa trở lại văn phòng làm việc trong những ngày đầu năm mới, Hồ Thị Huỳnh Thơ (34 tuổi, Giám đốc Công ty du lịch Sóng Việt Sovitour), cho biết dù gặp nhiều khó khăn nhưng việc khởi nghiệp của mình cũng có chút thành tựu trong năm qua. Điển hình là Thơ đổi sang văn phòng mới, mở rộng quy mô nhân sự và mảng kinh doanh của công ty.

Tuy vậy, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm 2020, Thơ có chút may mắn khi biết tận dụng thời cơ ngay trong dịch. Một sản phẩm du lịch trước kia Thơ đã có bộ phận nhỏ chuyên làm video ngắn đính kèm sản phẩm tour để tặng cho khách lại có tác dụng. “Thời gian giãn cách xã hội hồi tháng 4.2020 chúng tôi không còn việc gì làm nên tận dụng nhân lực, chúng tôi tập tành làm clip ca nhạc để quảng bá công ty. Bỗng nhiên đạt hiệu ứng tốt, tôi nghĩ mình phải thay đổi, tập trung đầu tư thêm vào mảng này. Thế là tôi tuyển thêm người chuyên làm clip trong lúc nhiều công ty khác tìm cách sa thải nhân viên. Ngoài những hợp đồng làm phim du lịch, công ty bắt đầu ra các sản phẩm như video, clip quảng cáo cho các đơn vị nhỏ cần quảng bá hình ảnh”, Thơ chia sẻ.

Thơ chọn cách cạnh tranh về giá, loại hình phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Những vị khách đầu tiên của Thơ là chủ cửa hàng quần áo, quán ăn nhỏ hay những người bán hàng trực tuyến cần quảng bá hình ảnh qua phim ngắn. Dần dần Thơ cũng tiến gần hơn tới các sự kiện và công ty lớn. Giữa năm 2020, Thơ xác định 2 thế mạnh của công ty làm du lịch và làm phim. Nhân sự công ty từ đó cũng tăng thêm so với trước kia. Máy móc, văn phòng cũng được đầu tư mạnh hơn trong năm qua. “Làm phim không phải phục vụ cho bán tour nữa mà tôi kiếm tiền chính từ đó. Tôi còn bán sản phẩm phim cho công ty khác. Các công ty du lịch đối thủ giờ đây bỗng trở thành khách hàng tiềm năng của tôi. Bỗng nhiên làm thêm mảng tôi có thể gồng gánh, cân bằng và duy trì được công ty trong dịch”, Thơ chia sẻ.

Chuyển đổi số lên ngôi

Nguyễn Đăng Khoa (34 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH quốc tế học viện sẻ chia HVSC) đã phát triển công ty kinh doanh hệ thống phần mềm trực tuyến, website, thanh toán trực tuyến... ổn định. Dù dịch làm mọi thứ khó khăn hơn nhưng Khoa cho rằng nhờ tận dụng thời cơ nên việc khởi nghiệp có bước chuyển mình trong năm 2020.

Theo Khoa, vì dịch nên nhiều công ty coi đây là cơ hội để cải tổ, số hóa doanh nghiệp của mình. Thay vì cứ bán truyền thống, doanh nghiệp đã chuyển sang nền tảng điện tử. Do đó, nhu cầu khách tìm kiếm công ty Khoa để hợp tác về lĩnh vực trực tuyến nhiều hơn, nhiều khách có những đơn hàng từ nước ngoài, tỉnh thành khác tìm đến để liên kết hoạt động.


 

Dâu tây hữu cơ Đà Lạt của nhóm Phạm Chí Mỹ chuyển tới tận tay khách hàng tại TP.HCM - ẢNH: NVCC
Dâu tây hữu cơ Đà Lạt của nhóm Phạm Chí Mỹ chuyển tới tận tay khách hàng tại TP.HCM - ẢNH: NVCC


Khoa xây dựng nhân sự chủ yếu làm việc từ xa, trước dịch, Khoa cũng tập cho nhân viên làm việc ở mọi nơi chỉ cần có kết nối internet, quản lý hệ thống khi ở bất kỳ đâu. Giúp nhân viên chủ động thời gian, không gian làm việc tùy thích để thoải mái nhất có thể. Sau đó đánh giá công việc bằng sản phẩm, do vậy Khoa tiết kiệm được nhiều chi phí hơn trong dịch.


Nhìn lại năm 2020, doanh thu quý 1 của công ty Khoa vẫn tăng mạnh do có những dự án trước đó đã ký, sắp ký. Quý 2 doanh thu giảm vì chưa kịp thích nghi. Tuy nhiên, cả năm 2020 lại tăng trưởng 60% so với năm trước. Những con số biết nói đó theo Khoa chính là sự nhạy bén biến khó khăn, thách thức thành cơ hội.

Không chờ hết dịch Covid-19 mới khởi nghiệp

Cả trước và sau tết, dâu hữu cơ của nhà khởi nghiệp trẻ Phạm Chí Mỹ (28 tuổi, trồng tại trang trại Dâu Mỹ Phạm Duy, P.10, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) bán đắt hàng tại TP.HCM. Dâu tươi gửi thẳng từ Đà Lạt, Mỹ giao tận tay khách, có thể tặng kèm rau sạch. Bên cạnh dâu, nhóm của Mỹ kinh doanh cà phê theo hướng thân thiện môi trường. Song, thay vì bán cà phê cho khách hàng mua mang đi như trước, nhóm anh có hình thức phục vụ cà phê tận nơi, cách thứ hai là cung cấp nguyên liệu như cà phê xay sẵn đóng gói để khách tự phục vụ nơi làm việc.

Mỹ chia sẻ: “Hình thức cung cấp tận nơi đến tay khách hàng thì cũng đồng nghĩa với việc khách hàng dùng phần mềm (app) đặt hàng hoặc liên hệ trực tiếp với cửa hàng, kéo theo nhiều cạnh tranh hơn. Nên đi kèm đó chúng tôi phải đề ra những chiến lược marketing. Nhưng cốt yếu vẫn là chất lượng sản phẩm, ngon, tốt cho sức khỏe, mọi người sẽ ủng hộ lâu dài”.

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, anh Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Không gian hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (thuộc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM), thừa nhận thực tế nhiều nhà khởi nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn chung từ Covid-19, tạo ra thị trường mới, con đường mới. Thời gian qua có nhiều nhà khởi nghiệp, các doanh nghiệp đã tái cấu trúc đơn vị của mình, thay đổi cách thức kết nối với khách hàng, thay đổi cách marketing, cách thức vận chuyển, giao hàng...

“Những tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, rất cần thiết một thái độ dứt khoát từ nhà khởi nghiệp, đó là phải thay đổi để thích ứng trong tình hình hiện tại. Cần nhìn thấy cơ trong nguy. Không thể nửa vời “chờ dịch qua đã, hết dịch mới tính tiếp và cứ làm mọi thứ đều đều, bình bình”, anh Tước trao đổi.

 

Theo PHẠM HỮU - THÚY HẰNG (TNO)

Có thể bạn quan tâm