Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Khởi nghiệp thành công với trang trại dâu tây hữu cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ sau 1 năm, anh Võ Trung Dũng (40 tuổi, quận Long Biên, TP. Hà Nội) đã gầy dựng trang trại dâu tây hữu cơ rộng gần 2 ha tại làng Châm Prông, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa. Mỗi ngày, anh thu về gần 3 triệu đồng và thu hút nhiều người đến tham quan trải nghiệm.

Năm 2022, từ bỏ công việc kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội, anh Võ Trung Dũng đã tìm về làng Châm Prông (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) làm nông nghiệp. Đối với anh, đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình. Anh chia sẻ: “Tôi vốn đam mê nông nghiệp nhưng chưa có cơ hội trải nghiệm. Sau khi tìm hiểu một số vùng đất, tôi thực sự ấn tượng với Gia Lai bởi đất đai rộng lớn, khí hậu ôn hòa và có bề dày văn hóa độc đáo. Ngày tôi khăn gói rời Thủ đô vào Gia Lai, mọi người ai cũng ngăn cản. Với họ, đây là hướng đi mạo hiểm khi tôi chưa có nhiều kiến thức về nông nghiệp cũng như kỹ năng sống tại vùng đất mới. Sau nhiều tháng rong ruổi khắp Gia Lai tìm địa điểm để trồng dâu tây, tôi đã quyết định ở lại vùng đất Châm Prông”.

Với mục tiêu hướng mọi người đến nông nghiệp sạch, anh Võ Trung Dũng chú trọng phát triển du lịch trải nghiệm. Ảnh: Mai Ka

Với mục tiêu hướng mọi người đến nông nghiệp sạch, anh Võ Trung Dũng chú trọng phát triển du lịch trải nghiệm. Ảnh: Mai Ka

Thời gian đầu, anh Dũng gặp vô vàn khó khăn. Nhưng may mắn là người dân địa phương luôn yêu thương và giúp đỡ để anh không còn cảm giác xa lạ, bỡ ngỡ. Với gần 2 ha đất trống, anh quyết định bắt tay vào trồng giống dâu tây Hana Nhật Bản theo hướng hữu cơ. “Ban đầu, tôi bỏ ra gần 800 triệu đồng để mua giống, làm đất và đầu tư hệ thống tưới nước tự động để cây luôn đủ độ ẩm cần thiết. Ngoài ra, tôi còn nghiên cứu các loại chế phẩm sinh học để trị bệnh cho cây. Trong quá trình chăm sóc, để dâu đạt chất lượng quả tốt nhất, tôi sử dụng các loại phân hữu cơ và kết hợp với phân chuồng để chăm bón. Giống dâu Hana được trồng vào đầu tháng 9, thời điểm thu hoạch từ giữa tháng 12 đến hết tháng 4 năm sau. Tháng 11, cây ra hoa, nên loại bớt nhánh cho cây thoáng, tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Sang tháng 12, cây bắt đầu cho thu quả”-anh Dũng cho biết.

Chỉ sau 1 năm, vườn dâu tây của anh Dũng đã phủ xanh và cho trái căng tròn, bóng mượt. Toàn bộ diện tích vườn dâu tây được trồng theo hướng hữu cơ nên chất lượng quả luôn đảm bảo ngọt, ngon và sạch, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Chị Trần Thị Thanh Tâm (phường Trà Bá, TP. Pleiku) cho hay: “Trong một lần đi dạo chơi, tôi vô tình biết tới vườn dâu tây của anh Dũng. Gia đình có một cửa hàng trái cây nên tôi thường xuyên vào tận vườn để thu mua. Vườn được canh tác theo hướng hữu cơ nên tôi rất yên tâm về chất lượng, độ an toàn của sản phẩm”.

Vườn dâu tây của anh Dũng luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan, trải nghiệm và thu mua. Ảnh: Mai Ka

Vườn dâu tây của anh Dũng luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan, trải nghiệm và thu mua. Ảnh: Mai Ka

Hiện nay, anh Dũng đang triển khai mô hình trồng dâu tây hữu cơ gắn với du lịch trải nghiệm. Cuối năm 2022, vườn dâu tây của anh cho thu hoạch trên 25 kg quả mỗi ngày, giá bán trung bình 250-300 ngàn đồng/kg. Với mục tiêu hướng mọi người đến nông nghiệp sạch, anh Dũng cũng chú trọng phát triển du lịch trải nghiệm nhằm chia sẻ kiến thức về trồng trọt và công khai quy trình trồng và chăm sóc vườn dâu của mình. Chính vì vậy, vườn dâu tây của anh được nhiều khách du lịch đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. “Trồng theo phương pháp hữu cơ nên trái dâu sẽ không to, không bắt mắt bằng giống dâu khác nhưng đổi lại không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, trái ăn giòn và có vị ngọt hơn. Tôi thường cùng gia đình, bạn bè tới vườn dâu của anh Dũng để trải nghiệm việc chăm sóc và thu hái; đồng thời, lưu lại những hình ảnh đẹp tại vườn”-chị Trịnh Thị Liên (thị trấn Đak Đoa) chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm