Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Khởi nghiệp từ... 2 con thỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bắt tay khởi nghiệp với 2 con thỏ, chỉ sau 3 năm, anh Nguyễn Công Nhị (28 tuổi, thôn Hòa Thắng, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, Gia Lai) đã gầy dựng được một trang trại chăn nuôi mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Lúc chúng tôi đến thăm nhà, anh Nhị đang hàn thêm một số chuồng nuôi thỏ. Anh cho biết, tới đây, khi làm xong chuồng, anh sẽ tách số thỏ cái ra để nuôi làm giống; riêng thỏ đực thì nuôi để bán thịt. “Thỏ nuôi 5-6 tháng là đến kỳ sinh sản. Cứ cách 2 tháng, thỏ đẻ 1 lứa, mỗi lứa 5-10 con nên tăng đàn rất nhanh. Đây chính là lý do tôi chọn chăn nuôi thỏ làm hướng phát triển kinh tế”-anh Nhị nói.
 Anh Nhị (bìa phải) giới thiệu về đàn thỏ của gia đình. Ảnh: N.H
Anh Nhị (bìa phải) giới thiệu về đàn thỏ của gia đình. Ảnh: N.H

Anh Trần Đình Lý-Bí thư Đoàn thị trấn Nhơn Hòa: “Tuy còn trẻ nhưng anh Nguyễn Công Nhị đã có ý chí vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Mặc dù bận rộn công việc gia đình nhưng anh vẫn nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động tại địa phương, góp phần cùng Đoàn thị trấn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”.

Trước đây, anh Nhị theo học ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Cao đẳng Bách Việt (TP. Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, nhận thấy ngành học không phù hợp, anh quyết định nghỉ học về quê phụ bố mẹ làm kinh tế. Sau khi tham quan mô hình chăn nuôi thỏ của một người bạn thấy hiệu quả khá cao, đầu năm 2016, anh bàn với bố mẹ chuyển sang chăn nuôi loài vật này. Ban đầu, anh chỉ nuôi thử nghiệm 2 con thỏ cái. Sau 5 tháng nuôi, anh mượn thỏ đực về phối giống. 2 tháng sau, thỏ đẻ được 10 con, tất cả đều được anh giữ lại làm giống. Cứ nhân đàn như vậy, đến đầu năm 2019, đàn thỏ của anh đã tăng lên gần 1.000 con. Sau nhiều lần xuất bán tổng cộng gần 500 con, anh thu được 110 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu chăn nuôi thỏ, anh Nhị cho biết, thỏ là loài rất dễ nuôi, thức ăn khá dễ kiếm, ngoài cỏ có thể bổ sung thêm cám. Thỏ cũng ít bị bệnh nên số lượng hao hụt rất ít. Thị trường tiêu thụ thỏ thương phẩm hiện cũng khá ổn định. Ngoài bán cho các hộ dân và các quán ăn tại thị trấn và xã Ia Phang, anh còn xuất bán cho một số cửa hàng tại TP. Pleiku với giá 70-80 ngàn đồng/kg. Mới đây, anh còn xuất bán thỏ giống cho khách hàng ở tận Tây Ninh, Quảng Ngãi. “Tôi lên mạng tìm hiểu thì được biết thỏ thường hay mắc các bệnh như cầu trùng, tụ huyết trùng, tiêu chảy. Vì thế, ngoài đảm bảo nguồn thức ăn sạch, cứ 2 tháng/lần, tôi tiêm phòng hoặc trộn thuốc phòng bệnh vào thức ăn cho thỏ. Tôi cũng làm chuồng kín gió để thỏ không bị nhiễm lạnh hoặc bị nóng, đồng thời đóng chuồng có gầm cao gần 1 m để tạo độ thoáng, dễ dọn vệ sinh. Vì thế, thỏ phát triển khỏe mạnh và rất ít bị bệnh”-anh Nhị chia sẻ kinh nghiệm.
Từ khi có thu nhập từ bán thỏ, anh Nhị đã đầu tư chăn nuôi thêm dê, gà và trồng cây ăn quả. Riêng năm 2018, sau khi trừ chi phí từ bán gà, dê, thỏ, anh lãi được 160 triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh có gần 40 cây bơ, 30 con dê, hơn 100 con gà và 450 con thỏ. “So với trồng hồ tiêu, chăn nuôi dê, thỏ và gà chiếm ít diện tích, mức đầu tư cũng thấp, ít rủi ro mà lợi nhuận mang lại cao hơn. Do vậy, ngoài 2 sào đất được sử dụng để chăn nuôi, tôi tính sẽ trồng cỏ trên 3 sào đất còn lại để phát triển chăn nuôi dê và thỏ. Tôi đang phấn đấu nâng quy mô đàn thỏ giống đạt 1.000 con”-anh Nhị nói về hướng phát triển thời gian tới.
 NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm