Từ số vốn 20 triệu đồng ban đầu, anh Bùi Khắc Bảo (39 tuổi, ở khu phố 1, P.Bồng Sơn, TX.Hoài Nhơn, Bình Định) đã gầy dựng thành cơ sở in, may quần áo đồng phục có doanh số bán ra khoảng 300 - 400 triệu đồng/tháng.
Luôn tìm cách để vượt khó
Thời còn trẻ, anh Bảo vừa học tại một trường cao đẳng ở TP.HCM vừa phải đi làm thêm tại cơ sở in lụa để trang trải cuộc sống. Vì đam mê nghề in lụa, anh Bảo bỏ học ở trường để theo học nghề thiết kế đồ họa. Kết thúc khóa học, anh được nhận vào làm việc vẽ mẫu trên máy tính cho một cơ sở in lụa ở TP.HCM. Năm 2005, khi đã tích lũy được một ít vốn, anh Bảo về quê nhà để lập nghiệp. Tận dụng nhà cửa của gia đình, anh chỉ mua thêm một máy in lụa khoảng 20 triệu đồng để hành nghề.
Cơ sở may đồng phục của anh Bảo. Ảnh: Hoàng Trọng |
“Đầu tư máy móc, mở cơ sở hành nghề in lụa không khó nhưng quan trọng là phải tìm được đơn hàng để duy trì hoạt động. Suốt một năm ròng, tôi đến các xưởng may ở tỉnh Bình Định rồi ra tận các đơn vị ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng… để chào hàng. Thậm chí, có doanh nghiệp may ở TX.An Nhơn (Bình Định) đã nhận lời nhưng không chịu gửi quần áo ra Hoài Nhơn cho tôi in mà nói rằng cần thì đến nhận về làm, không cần thì sẽ có đơn vị khác nhận. Đang trưa nhưng tôi vẫn chạy xe máy hơn 60 km để nhận mối hàng này”, anh Bảo kể.
Làm được vài năm, anh Bảo nhận ra nghề in đồng phục có đơn hàng tấp nập vào thời điểm gần tết và trước khi vào năm học. Năm 2009, anh đầu tư mua thêm 3 máy may để may quần áo đồng phục và các loại quần áo cho trẻ em. Khi đó, quần áo trẻ em đều được tư thương nhập sỉ tại các thành phố lớn về bán lẻ tại chợ để kiếm lời. Anh Bảo khảo sát giá rồi may các mẫu quần áo đang bán chạy trên thị trường, chấp nhận bán giá rẻ hơn và bán nợ… để cạnh tranh.
Đến năm 2010, anh Bảo lập gia đình nên càng chuyên tâm vào sản xuất. Nhờ chịu khó, chắt chiu từng cơ hội, biết giữ uy tín nên cơ sở may, in của anh ngày càng có nhiều đơn hàng, quy mô sản xuất được mở rộng. Năm 2016, cơ sở của anh Bảo chuyển hẳn sang may, in quần áo đồng phục cho các trường học, doanh nghiệp và đặc biệt là quần áo đồng phục của Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên…
Thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19
Năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, cơ sở của anh Bảo gặp nhiều khó khăn vì nguồn cung cấp nguyên phụ liệu bị gián đoạn, đơn hàng giảm… nên phải dừng hoạt động 1 tháng. Tuy nhiên, nhiều đơn hàng của đối tác cần phải hoàn thành, anh lại đi khắp nơi, tận dụng quan hệ tìm mua nguyên phụ liệu với giá cao hơn để duy trì sản xuất, giữ uy tín với khách hàng.
Khi cả nước bước vào giai đoạn “bình thường mới”, lao động hoặc người nhà bị nhiễm Covid-19 phải cách ly, có người ngại đến cơ sở sản xuất tập trung, anh Bảo liền cho công nhân mượn máy may đem về nhà. Nhờ vậy, công nhân chỉ đến xưởng nhận đơn hàng, nguyên phụ liệu rồi về may ngay tại nhà nên đảm bảo được công tác phòng dịch, tiến độ sản xuất của cơ sở anh Bảo cũng ổn định.
Gương khởi nghiệp tiêu biểu Theo anh Phạm Ngọc Hoan, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TX.Hoài Nhơn, anh Bảo là một trong những tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu của địa phương. Anh Bảo thành công là nhờ sự cần cù, chịu khó lại biết thích ứng nhanh với hoàn cảnh để vượt qua khó khăn. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Bảo còn tích cực tham gia công tác Đoàn, Hội tại địa phương. “Anh Bảo được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đoàn khu phố 1 từ năm 2018, đến hết năm 2021 thì bàn giao lại cho một thanh niên khác. Trong quá trình hoạt động Đoàn, không chỉ giúp đỡ các đoàn viên, thanh niên tại khu phố của mình, anh Bảo còn hỗ trợ nhiều đồng phục Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên… cho Thị đoàn Hoài Nhơn, Tỉnh đoàn Bình Định và các sự kiện ở địa phương. Anh Bảo được tuyên dương là thanh niên làm kinh tế giỏi của TX.Hoài Nhơn tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15.10.1956 - 15.10.2021) tại địa phương”, anh Hoan cho biết. |
Hiện tại, xưởng may nhà anh Bảo có 14 máy may, 1 máy in và 8 lao động làm việc thường xuyên. Ngoài ra, anh Bảo còn có một cửa hàng chuyên bán quần áo, đồng phục tại TT.Bồng Sơn (TX.Hoài Nhơn).
Cuối năm 2021, Tỉnh đoàn Bình Định đã giải ngân vốn từ nguồn vốn Quỹ Thanh niên Bình Định khởi nghiệp, lập nghiệp cho Dự án vay vốn mở rộng cơ sở may in đồng phục của anh Bảo với số tiền 200 triệu đồng. Anh Bảo đang dùng số vốn này để đầu tư xây dựng nhà xưởng, mở rộng cơ sở may trong năm nay.
Theo Hoàng Trọng (TNO)