Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Khởi nghiệp từ làm YouTube cho trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hiện nay, trẻ em dần trở thành lượng khán giả đông đảo của các kênh YouTube, và từ đó xuất hiện nhiều bạn trẻ làm chủ kênh phục vụ nội dung cho đối tượng này.
 

Trẻ em tiếp cận Youtube kids ra sao ?

Chị Nguyễn Thị Xuân Tuyền (34 tuổi, đang làm việc tại Bình Dương) kể cho con gái 9 tuổi sử dụng điện thoại thông minh để phục vụ mục đích học tập. Ngoài ra, chị còn cho con gái dùng điện thoại để xem YouTube 30 phút mỗi ngày. “Tôi cho con tiếp cận với YouTube mục đích giải trí và học tập, tuy nhiên tôi vẫn mong cháu sẽ học tập được nhiều điều bổ ích hơn là chỉ xem cho vui. Con tôi có xu hướng xem những video hoạt hình lồng ghép nhạc trẻ. Bé xem theo sở thích nên mình cũng không áp đặt hay bắt buộc con phải xem một chương trình nào đó cụ thể”, chị Tuyền cho biết.

Chị Nguyễn Thị Hoài Minh (33 tuổi, giáo viên tại Trường mầm non chuyên biệt Bình An, Bình Dương) cũng thường dạy học cho con trai 3 tuổi bằng những đoạn video trên YouTube. Chị dành từ 30 - 45 phút cho con xem nội dung trên nền tảng này với mục đích cho bé học tập và giải trí. Những kênh chị Minh hay cho con xem là hoạt hình dạy kỹ năng, khám phá khoa học, BabyBus - Kids Songs and Cartoons… từ nước ngoài.

 

YouTuber đang thực hiện sáng tạo nội dung cho trẻ em. Ảnh: Phạm Hữu


Lương Ngọc Quý (32 tuổi, nhân viên bán hàng tại Q.1, TP.HCM) cho biết: “Cậu con trai 5 tuổi của mình rất mê xem YouTube, hầu như ngày nào bé cũng xem gần 1 tiếng. Lúc này bé không đi học nên thời gian xem có thể dài hơn từ 2 - 3 tiếng. Mình và các thành viên trong gia đình phải chia nhau thời gian để tương tác với bé bằng các trò chơi nhỏ để con không phải phụ thuộc vào YouTube”.

“Mình thường hướng bé xem những kênh như POS Kids, Boomerang Vietnam… vì có những bộ phim hoạt hình phù hợp với lứa tuổi, giúp trẻ giải trí. Ngoài ra bé còn được học tập những kỹ năng sống và tiếp cận với tiếng Anh”, anh Quý thông tin thêm.
Sớm nắm bắt nhu cầu của trẻ

Khi trẻ tiếp cận với internet và nhất là YouTube ngày một nhiều thì từ đó cũng hình thành các kênh dành cho trẻ em. Đặc biệt, đối tượng phát triển, sáng tạo nội dung là những bạn trẻ, giỏi công nghệ và nắm bắt được nhu cầu xã hội để khởi nghiệp bằng nghề YouTuber.

Nhận thấy tiềm năng trên, Lê Bá Anh (34 tuổi, chủ kênh ToySation) đã xây dựng kênh từ năm 2016 khi YouTube bắt đầu phát triển mạnh ở Việt Nam. Bá Anh cho biết công nghệ phát triển nhanh, đối tượng trẻ nhỏ sẽ chiếm lượng lớn người dùng YouTube. Từ đó, mục đích phát triển YouTube là một công việc nghiêm túc.


 

Bạn trẻ sản xuất nội dung YouTube cho trẻ em. Ảnh: NVCC



Những ngày đầu, Bá Anh xây dựng thương hiệu cá nhân, chất lượng nội dung có chiều sâu từ những loại đồ chơi độc. “Ai cũng bảo tôi khùng, vô lý khi đầu tư tiền triệu để mua đồ chơi về chỉ để quay video. Sau 11 tháng, kênh nhận được nút bạc. Dần dần tôi cũng nhận được sự quan tâm của trẻ em yêu thích đồ chơi. Sau 7 năm, kênh YouTube ToySation hiện được 2,5 triệu lượt đăng ký, 700 tập”, Bá Anh nói thêm.

Nguyễn Thị Ngoan (25 tuổi) hiện đang là chủ kênh Tôm Chanel và 2 kênh YouTube khác về nội dung trẻ em. Ngoan bắt đầu lập kênh và khởi nghiệp vào năm 2020. Ngoan xây dựng hình ảnh bản thân là một đứa trẻ, luôn đeo khăn quàng đỏ và chia sẻ những thông điệp về cuộc sống, học đường của học sinh tiểu học và THCS. Bởi theo Ngoan, nội dung về học sinh, học đường luôn luôn “hot”, không bao giờ cũ bằng cách tái hiện một dạng video clip short (dạng hài học đường ngắn). Ngoài ra, việc lồng ghép những yếu tố giáo dục, câu đố kiến thức và bàn luận đúng sai về nó là mục tiêu Ngoan hướng đến. Đến hôm nay, kênh Tôm Chanel đã đạt con số gần 500.000 lượt đăng ký, có những video clip đạt đến 6,6 triệu lượt xem.

 

Khi mình nói những từ như tiếng lóng và cho rằng vui nhưng trẻ em nghe nhiều, bắt chước mà không ý thức được đúng sai thì thật sự có hại, đó là điểm dừng của tôi khi làm nội dung.

    Bá Anh, chủ kênh ToySation


Luôn phải cân nhắc về nội dung cho trẻ em

Theo Bá Anh, làm nội dung cho trẻ em thật sự phải có tầm nhìn dài hạn, bởi những gì liên quan trẻ thật sự là một tiềm năng lớn. Tuy vậy, đó cũng là một thách thức. Bá Anh thú nhận những nội dung về trẻ em là một ranh giới mong manh giữa đúng, sai và trách nhiệm cộng đồng. Anh xây dựng kỹ nội dung, lồng ghép bài học giáo dục trẻ. Không chiêu trò về từ khóa, không đùa giỡn và giải thích cụ thể trong mỗi ngôn từ, dùng kỹ thuật châm biếm nhẹ. Không lợi dụng cảm xúc trẻ em để giật gân.

“Khi mình nói những từ như tiếng lóng và cho rằng vui nhưng trẻ em nghe nhiều, bắt chước mà không ý thức được đúng sai thì thật sự có hại, đó là điểm dừng của tôi khi làm nội dung”, Bá Anh chia sẻ.

Dù sáng tạo nội dung, cần lượt người xem đông đảo nhưng Ngoan ủng hộ việc thanh lọc và hạn chế trẻ em xem nhiều trên YouTube, bởi không phải môi trường nào cũng thật sự lành mạnh. Do đó, theo Ngoan, làm nội dung học đường vừa khó, vừa dễ và việc truyền tải nội dung rất quan trọng. Dễ vì ngoại hình, tính cách bản thân khá phù hợp với trẻ em; khó ở kinh phí đầu tư, do đối tượng tiếp cận là trẻ em nên phải luôn trau chuốt sản phẩm, từ khóa, tiết chế với nội dung truyền tải...


 

Ngày càng có nhiều trẻ em tiếp cận với nền tảng YouTube. Ảnh: NGUYỄN ĐIỀN

Thu nhập ở mức khá trở lên ?

Nguyễn Thị Ngoan, chủ kênh Tôm Chanel, cho hay công việc cũng có nhiều áp lực. “Khi khởi nghiệp từ YouTube, tôi đầu tư khá nhiều. Mỗi ngày phải chạy KPI, làm sao đảm bảo mỗi kênh 30 video, suy ra 3 kênh phải sản xuất là 90 video clip trong tháng”, Ngoan nói. Ước tính mỗi tháng thu nhập của Ngoan trên dưới 50 triệu đồng.

Bá Anh, chủ kênh ToySation, nói rằng kiếm tiền trên YouTube không thường xuyên và ổn định, nó chỉ dựa vào quảng cáo theo mùa và những lần thắt chặt tiêu chuẩn của YouTube. Trừ nghĩa vụ thuế, Bá Anh bật mí thu nhập từ kênh YouTube trẻ em của mình ở mức khá trở lên.

Theo Phạm Hữu-Nguyễn Điền (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm