Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Khởi nghiệp với muối chấm Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 16 năm dạy học trường làng, chị Trần Thị Kim Dung (SN 1981, nhà số 127 Phạm Hồng Thái, thị xã Ayun Pa) đặc biệt ấn tượng với các loại muối chấm của người Jrai. Hiện chị đã đưa những loại muối chấm đặc sản này ra khắp các thị trường trong và ngoài tỉnh, đồng thời dự định đăng ký thương hiệu cho sản phẩm để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Chị Dung cho hay, trong quá trình giảng dạy tại Trường Tiểu học và THCS Nay Der (xã Chư Mố, huyện Ia Pa), chị được đắm mình cùng cuộc sống, sinh hoạt của người dân tộc thiểu số nơi đây. Chị đặc biệt ấn tượng với các loại muối chấm của họ, một gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn. Một khi đã ăn thử thì hương vị cứ lưu lại mãi.
Chị Trần Thị Kim Dung (thị xã Ayun Pa) với sản phẩm muối chấm Jrai bán ra thị trường. Ảnh: V.C
Chị Trần Thị Kim Dung (thị xã Ayun Pa) với sản phẩm muối chấm Jrai bán ra thị trường. Ảnh: V.C
Năm 2016, chị nảy sinh ý định làm các loại muối chấm của người Jrai để đưa ra thị trường. Chị chọn muối cá trích lá é để thử nghiệm. Theo chị Dung, trong quá trình làm muối cá trích, khâu quan trọng nhất là chế biến cá. Cá trích nướng bằng than, bóc bỏ vảy, xương, sau đó đem giã nhuyễn rồi rang lại qua lửa. Khi cá khô đem trộn đều với ớt, lá é, hồ tiêu, bột ngọt. Sản phẩm đầu tay được chị tặng bạn bè, người thân ăn thử, góp ý. Sau hơn 1 tháng mày mò, trải nghiệm, chị cho ra đời sản phẩm hoàn thiện như hiện nay. Muối có mùi thơm nồng đặc trưng, cá trích vàng, mịn, lá é giữ được màu xanh, không quá khô. Nhờ làm kỹ từng khâu nên sản phẩm có thể để khoảng 2 tháng sau khi mở nắp ở nhiệt độ phòng, 6 tháng nếu bảo quản trong tủ lạnh. Muối có thể dùng để làm gia vị chấm hoặc trộn với cơm nóng ăn liền.
Cá trích được nướng vàng chuẩn bị làm muối. Ảnh: V.C
Cá trích được nướng vàng chuẩn bị làm muối. Ảnh: V.C
Vì nguyên liệu không sẵn có nên mỗi khi vào mùa, chị Dung phải tìm đến tận các làng đồng bào dân tộc thiểu số lân cận để thu mua và đặt hàng. Khoảng tháng 8 hàng năm, khi lá é rộ, chị thường mua trữ 2-3 tạ phơi khô để làm dần. Tháng cao điểm có khi chị Dung nhập tới hơn 1 tạ cá trích về làm muối kịp giao cho khách. Ngoài làm muối cá trích, chị Dung còn làm thêm muối cỏ thơm, muối kiến. Sản phẩm làm thủ công, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ bạn bè gần xa tin tưởng giới thiệu, sản phẩm muối chấm của chị Dung đã có mặt ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, khách hàng sỉ tận Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa có lần lấy cả trăm hũ muối.
Chị Nguyễn Thị Thỏa (phường Yên Thế, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi rất thích các sản phẩm muối chấm của chị Dung, đặc biệt là muối cá trích lá é. Vị cay nồng của ớt khô, vị đậm đà của cá trích, mùi thơm của lá é hòa quyện ăn rất ngon cơm. Trong tủ nhà tôi lúc nào cùng dự trữ sẵn 2-3 hũ ăn dần. Mỗi lần về quê, tôi mua số lượng lớn, đóng thùng mang về làm quà. Bà con ngoài Bắc thích lắm, ai ăn cũng tấm tắc khen ngon”.
Với giá bán 30.000 đồng/hũ nhỏ (100 gram), 60.000 đồng/hũ lớn (250 gram), trung bình mỗi tháng các sản phẩm từ muối đem lại cho chị Dung thu nhập gần 10 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Chia sẻ về những dự định, chị Dung cho biết: “Mình đang chuẩn bị hồ sơ để đăng ký thương hiệu muối chấm Duy Vi. Sắp tới, mình cũng sẽ tham gia chương trình phụ nữ khởi nghiệp của thị xã để được hỗ trợ, mở rộng quy mô sản xuất, đưa thương hiệu muối cá Duy Vi ra thị trường một cách rộng rãi hơn”.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm