Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Khôi phục giao thông toàn quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau lệnh chấm dứt cách ly xã hội của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh, TP đã cho phép các phương tiện vận chuyển hành khách hoạt động dần trở lại, khôi phục mạng lưới giao thông đã bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
 
Sau khi được tăng chuyến, hành khách đi lại bằng hàng không đông đúc vào ngày 23-4 tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: CÔNG TRUNG
Ngoài các lĩnh vực hàng không, đường sắt, vận tải hành khách liên tỉnh do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trực tiếp chỉ đạo, các hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh do chủ tịch UBND các tỉnh, TP quy định căn cứ thực tế từng địa phương.
Nối lại tất cả đường bay nội địa
Từ ngày 23-4, Bộ GTVT cũng đã cho phép tất cả đường bay nội địa hoạt động trở lại. Đường bay Hà Nội - TP.HCM và ngược lại tăng từ 6 chuyến lên 20 chuyến khứ hồi/ngày. 
Các đường bay Hà Nội, TP.HCM đi Đà Nẵng và ngược lại tăng lên 6 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay. Trên đường bay từ Hà Nội, TP.HCM đi các địa phương khác mỗi hãng được khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay. 
Các đường bay giữa các địa phương khác có điểm đi, đến không phải Hà Nội và TP.HCM, mỗi hãng được phép khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày.
Theo Vietnam Airlines, từ ngày 23 đến 30-4, hãng này khai thác đường bay giữa Hà Nội và TP.HCM với tần suất 4-6 chuyến/ngày. Sau đó dự kiến tăng lên 10-13 chuyến/ngày. 
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines tiếp tục duy trì khai thác các đường bay giữa Đà Nẵng và Hà Nội, TP.HCM với tần suất 1 chuyến/ngày, sau đó tăng lên 2 chuyến/ngày từ 26 đến 30-4 và dự kiến 3-5 chuyến/ngày trong giai đoạn tiếp theo. 
Đối với các đường bay khác, Vietnam Airlines sẽ lần lượt khai thác trở lại với tần suất ban đầu là 1 chuyến/ngày gồm: TP.HCM - Hải Phòng, TP.HCM - Vinh, TP.HCM - Thanh Hóa từ ngày 23-4; TP.HCM - Huế, TP.HCM - Côn Đảo từ ngày 25-4 và các đường bay còn lại từ ngày 29-4.
Hãng hàng không Jetstar Pacific cũng tăng tần suất đường bay giữa Hà Nội và TP.HCM lên 2 chuyến/ngày dưới hình thức hợp tác liên danh với Vietnam Airlines. 
Tương tự, từ ngày 23-4 Vietjet tăng tần suất khai thác các chuyến bay khứ hồi chở khách giữa Hà Nội và TP.HCM lên 6 chuyến mỗi ngày; giữa Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng lên 3 chuyến mỗi ngày và khai thác 1 chuyến khứ hồi mỗi ngày với một số chặng bay nội địa khác.
Riêng Bamboo Airways từ 23-4 khai thác đường bay Hà Nội - TP.HCM 4 chuyến khứ hồi/ngày, các đường bay Hà Nội - Đà Nẵng và TP.HCM - Đà Nẵng 2 chuyến/ngày. Các đường bay từ Hà Nội, TP.HCM đi Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn, Hải Phòng, Thanh Hóa khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày.
 
Nhiều hãng taxi đã hoạt động trở lại tại Hà Nội từ ngày 23-4 - Ảnh: NAM TRẦN
Chạy lại nhiều chuyến tàu địa phương
Trong khi đó, ngày 23-4, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã cho chạy thêm 2 đoàn tàu khách Thống Nhất số hiệu SE1, SE2 trên tuyến Hà Nội - TP.HCM, nâng tổng số đoàn tàu trên tuyến này lên 6 đoàn (số hiệu từ SE1 đến SE6, tàu số lẻ chạy từ Hà Nội, tàu số chẵn chạy từ TP.HCM). 
Các chuyến tàu NA1, NA2 tuyến Hà Nội - Vinh và tàu LP5, LP6 tuyến Hà Nội - Hải Phòng cũng đã tổ chức chạy trở lại. Hành khách mua vé tàu tuyến Hà Nội - Vinh sẽ được giảm giá từ 10% đến 30%.
Ngoài ra, từ ngày 25-4 ngành đường sắt cũng sẽ chạy lại tàu SE21, SE22 tuyến TP.HCM - Đà Nẵng; từ 29-4 chạy lại tàu SNT1, SNT2 tuyến TP.HCM - Nha Trang; từ 29-4 đến 4-5 chạy tàu SPT1, SPT2 tuyến TP.HCM - Phan Thiết. 
Trong những ngày tới, căn cứ vào nhu cầu đi lại của hành khách, ngành đường sắt sẽ tiếp tục tổ chức chạy lại tàu trên các tuyến Hà Nội - Đồng Hới, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Yên Bái, Hà Nội - Lào Cai…
 
Hà Nội: xe khách liên tỉnh chưa hoạt động nhiều
Theo quy định của Bộ GTVT, xe khách liên tỉnh chỉ hoạt động tối đa 30% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và tối đa đến 50% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp (ít nhất 1 chuyến/tuyến), đồng thời bố trí hành khách trên xe không quá 50% số ghế và mỗi hành khách cách nhau 1 ghế hoặc đảm bảo cách nhau 1m.
Từ sáng 23-4, các bến xe của Hà Nội đã mở cửa trở lại nhưng lượng xe khách liên tỉnh hoạt động không nhiều.
Ông Nguyễn Văn Lập - giám đốc bến xe Nước Ngầm - cho biết trong ngày chưa có xe nào hoạt động vì bến xe này chỉ khai thác các tuyến từ Nghệ An trở vào phía Nam, trong khi tỉnh Thanh Hóa chưa cho xe liên tỉnh hoạt động.
Ông Nguyễn Anh Toàn - giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội - cho biết trong ngày 23-4 chỉ có khoảng 15 xe khách các tỉnh đến các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm. Lý do là các nhà xe vẫn chờ các sở GTVT sắp xếp biểu đồ chạy xe, trong khi nhiều nhà xe cũng chưa chuẩn bị kịp để khai thác ngay.
Theo ông Nguyễn Đàm Văn - giám đốc Công ty du lịch Văn Minh (Nghệ An), đến chiều 23-4 doanh nghiệp này vẫn đang chờ Sở GTVT hướng dẫn để chạy lại các chuyến xe từ Nghệ An đi Hà Nội.
Ông Văn cho biết nếu được khai thác, mỗi xe chỉ chở tối đa 50% số ghế thì sẽ lỗ chi phí vì toàn bộ máy công ty phải hoạt động nhưng tần suất khai thác bị giảm.
Ngày 23-4, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã khai thác trở lại xe buýt với mức 20 - 30% công suất, mỗi xe không chở quá 20 hành khách. Đồng thời xe buýt tránh đi qua khu vực các xã có hai ổ dịch là thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín và thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh.
Đối với taxi, xe dưới 9 chỗ ngồi sử dụng hợp đồng điện tử, từ 23-4 Sở GTVT Hà Nội cho phép các đơn vị huy động tối đa 20 - 30% phương tiện hoạt động trong ngày.
TP.HCM: xe khách hoạt động trở lại từ 24-4
Tối 23-4, Sở GTVT TP.HCM đã đưa ra phương án phục hồi vận tải hành khách sau thời gian tạm dừng từ ngày 1-4. Theo đó, taxi, xe ứng dụng công nghệ như Grab, GoViet được hoạt động trở lại bình thường từ ngày 24-4.
Các tuyến xe buýt trợ giá tiếp tục tạm dừng và sở sẽ công bố các tuyến hoạt động trở lại sau ngày 3-5. Các tuyến xe buýt liên tỉnh, xe buýt không trợ giá, sở sẽ công bố lịch hoạt động trở lại sau khi thống nhất với các tỉnh liền kề TP.
Các tuyến xe khách cố định liên tỉnh, xe hợp đồng (trừ xe dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ), xe du lịch được hoạt động với tần suất tối đa theo quy định của Bộ GTVT. Trao đổi với Tuổi Trẻ tối 23-4, đại diện bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây cho biết đã thông báo cho các doanh nghiệp vận tải chuẩn bị, lập tức triển khai xe hoạt động trở lại từ 0h ngày
24-4. Ông Nguyễn Hoàng Huy - giám đốc bến xe Miền Đông - cho biết dự kiến trong ngày 24-4 hoạt động trở lại, bến xe Miền Đông sẽ có khoảng 400 xe ra vào. Lãnh đạo bến xe Miền Tây cho biết một số hãng xe ở các tỉnh miền Tây sẽ có chuyến hoạt động ngay từ 0h ngày 24-4.
Còn với phà Cát Lái nối TP.HCM và Đồng Nai sẽ hoạt động bình thường trở lại từ 23-4 sau một thời gian được điều chỉnh hoạt động theo giờ.
Đà Nẵng: xe buýt dừng, xe khách cho chạy
Chiều 23-4, Sở GTVT Đà Nẵng đã ra thông báo các loại hình vận tải khách xe hợp đồng, xe du lịch, taxi tại Đà Nẵng được phép hoạt động trở lại từ ngày 24-4. Tuy nhiên, các xe chỉ được phép chở 50% số lượng khách theo số ghế ngồi. Các hãng xe phải yêu cầu lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi lên, xuống xe.
Sở GTVT Đà Nẵng cũng phục hồi hiệu lực các loại phù hiệu xe chạy tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, taxi do sở này tạm đình chỉ trong thời gian phòng chống dịch COVID-19 vừa qua.
Các xe hợp đồng, xe du lịch, taxi tại Đà Nẵng chỉ được phép vận chuyển hành khách đi liên tỉnh, TP nhóm nguy cơ thấp, không được vận chuyển khách đi các tỉnh, TP thuộc nhóm nguy cơ. Trên mỗi chuyến xe, lái xe, nhân viên phục vụ phải cập nhật danh sách và hướng dẫn hành khách khai báo y tế theo quy định.
TP Đà Nẵng tiếp tục dừng hoạt động các tuyến xe buýt nội ô, liên tỉnh Đà Nẵng - Quảng Nam và Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế; xe du lịch điện, vận tải khách thủy nội địa. Riêng trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tạm dừng hoạt động đến ngày 30-4.
Cần Thơ: xe khách liên tỉnh hoạt động từ 24-4
Đến chiều 23-4, hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh và xe buýt tại TP Cần Thơ vẫn chưa được nối lại. Ông Nguyễn Đình Sửu - phó tổng giám đốc Công ty CP Bến xe tàu phà Cần Thơ - cho biết chiều cùng ngày mới nhận được thông báo của Sở GTVT nên từ 0h ngày 24-4 bến xe mới hoạt động trở lại.
Theo thông báo của Sở GTVT, xe buýt nội tỉnh, liên tỉnh được phép hoạt động từ 0h ngày 23-4 nhưng chỉ chở tối đa 50% số ghế.
Trong khi đó, xe khách tuyến cố định liên tỉnh chỉ hoạt động không quá 50% số chuyến, riêng các tuyến Cần Thơ đi TP.HCM và Hà Nội chỉ hoạt động tối đa 30% số chuyến và chỉ chở không quá 50% số ghế. Cần Thơ hiện có 107 tuyến xe khách đi đến 38 tỉnh, TP trong cả nước.
Trong đó, có 4 tuyến từ Cần Thơ đi TP.HCM gồm Ô Môn - TP.HCM, Cờ Đỏ - TP.HCM, Thốt Nốt - TP.HCM và bến xe Cần Thơ - TP.HCM với 214 xe. Theo thông báo của Sở GTVT, từ 0h ngày 23-4 chỉ có 64 xe hoạt động trên 4 tuyến Cần Thơ - TP.HCM.
Xe hợp đồng, du lịch chỉ hoạt động tối đa 50% tổng số xe của mỗi hãng. Các tuyến đi TP.HCM và Hà Nội chỉ chạy tối đa 30% tổng số xe của hãng, mỗi xe chỉ chở tối đa 50% số ghế và hành khách phải khai báo y tế, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt.
T.PHÙNG-H.KHÁ-L.DÂN-T.DUNG-L.PHAN-Đ.PHÚ
Tuấn Phùng (TTO)

Có thể bạn quan tâm